Thách thức nhân sự từ dòng vốn FDI phía Bắc
(Dân trí) - Sự gia tăng của dòng chảy FDI rót vào Việt Nam, đặc biệt ở khu vực Bắc bộ, đang mở ra nhiều thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự chỉn chu trong việc đầu tư nhân sự dài hạn.
Việt Nam đón dòng vốn FDI, ngành nhân sự đón thách thức
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ trong quý I năm 2021, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, bên cạnh hoạt động kinh doanh bất động sản được chú trọng đầu tư, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo của thị trường miền Bắc cũng "đón đầu" làn sóng đầu tư này. Theo đó, doanh nghiệp tại các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam… đang "rục rịch" mở rộng hoặc xây mới các khu công nghiệp. Đơn cử, tỉnh Hà Nam đang hoàn thiện dần hạ tầng các khu công nghiệp của Thanh Liêm, Thái Hà để thu hút chủ đầu tư. Hay tỉnh Bắc Giang mở rộng ba khu công nghiệp hiện có với tổng diện tích 1.100ha và xin phép Chính phủ thành lập thêm các khu công nghiệp khác.
Trong những năm trở lại đây, vùng kinh tế trọng điểm tại khu vực Bắc bộ được Chính phủ tập trung phát triển và hỗ trợ trên nhiều phương diện: các thủ tục hành chính được gia giảm, vốn đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ giải ngân… Cụ thể, tại Hà Nội, các cơ quan hành chính thực hiện cơ chế "một cửa" giúp giảm thời gian thẩm định và cấp giấy phép hoạt động kinh doanh. Tỉnh Vĩnh Phúc chuyển việc giải quyết các thủ tục đối với doanh nghiệp FDI sang hình thức trực tuyến để tiết kiệm thời gian và chi phí phát sinh.
Tín hiệu tích cực từ nền kinh tế đã mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp phía Bắc, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức lớn trong quản trị nguồn nhân lực. Theo Báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu về việc làm năm 2020 của Cục Việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở Việt Nam chỉ đạt 24,5%. Trong khi đó, để sẵn sàng với sự gia tăng của FDI, cơ cấu việc làm của doanh nghiệp địa phương cần chuyển từ công việc thủ công sang các ngành ứng dụng công nghệ cao. Điều này dẫn đến nhu cầu tuyển dụng chuyển dịch từ lao động phổ thông sang lao động có trình độ, đồng thời, nhóm lao động chưa qua đào tạo có nguy cơ bị đào thải cao và thất nghiệp.
Trong bối cảnh hiện tại, lực lượng lao động nội địa rơi vào "cuộc chiến" cạnh tranh khốc liệt với làn sóng nhân sự nước ngoài đang không ngừng gia tăng. Tính đến tháng 7/2019, ở Việt Nam có hơn 90.000 lao động là người nước ngoài và con số này dự kiến tăng thêm 5% mỗi năm nhờ cánh cửa hội nhập kinh tế ngày càng rộng mở.
Đầu tư nhân sự dài hạn: "Xương sống" quyết định sự phát triển bền vững
Trước những thách thức của sự chuyển dịch FDI, bà Tiêu Yến Trinh - CEO của Talentnet nhấn mạnh: "Dòng chảy thương mại đang đảo chiều, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiềm năng mà thế giới đưa vào "tầm ngắm" đầu tư. Với doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là tại thị trường phía Bắc, đây cũng chính là cơ hội vàng để thu hút nguồn vốn đầu tư, áp dụng những giải pháp thức thời trong chiến lược con người. Đầu tư nhân lực dài hạn là xương sống quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp."
Đối với nguồn nhân lực sẵn có, Bà Tiêu Yến Trinh đề xuất một số phương án đầu tư phát triển như xây dựng các chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng chuyên môn cho người lao động. Trước làn sóng "chuyển đổi số" hậu COVID-19, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hướng dẫn sử dụng công cụ kỹ thuật cao cho nhân sự hiện hữu, hay thực thi các chính sách phúc lợi hấp dẫn nhằm thu hút nhân tài từ các địa phương khác. Ngoài ra, nếu bộ phận HR không đủ lực do đội ngũ "mỏng", doanh nghiệp có thể tìm kiếm giải pháp tối ưu từ các đơn vị tư vấn, cung cấp dịch vụ nhân sự. Việc sử dụng các dịch vụ nhân sự thuê ngoài không chỉ giúp doanh nghiệp được tận dụng kho dữ liệu nhân sự khổng lồ mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí và đem lại hiệu quả cao.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc của Talentnet tiếp tục: "Song song với việc củng cố nguồn nhân lực sẵn có, các doanh nghiệp cần chú trọng nuôi dưỡng các thế hệ tiềm năng kế tiếp nhằm chuẩn bị cho lộ trình phát triển kinh doanh trong tương lai. Đúc kết từ quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp phía Bắc, tôi nhận thấy việc tài trợ học bổng, liên kết nhận học viên thực tập từ các trường Đại học, Trung tâm dạy nghề thông qua những chương trình hợp tác có thể giúp doanh nghiệp sở hữu một đội ngũ lao động đầy tiềm năng và sáng tạo."
Có thể nói, bên cạnh việc phát triển quy mô và cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp miền Bắc cũng cần xây dựng một chiến lược đầu tư nhân sự dài hạn, bài bản để sẵn sàng đón dòng vốn FDI vào thị trường Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng.