Tết năm ngoái, mua cây mai 300-500 triệu đồng biếu sếp là chuyện thường

Mọi năm, khách mua cây mai giá 300-500 triệu đồng biếu sếp là chuyện bình thường. Tuy nhiên, tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các chủ vườn mai buộc phải chạy đua chào bán hàng online, giảm giá hút khách.

Dự báo giá mai giảm khoảng 20%

Thời gian này, cộng đồng trồng mai chúng tôi ai cũng hồi hộp, theo dõi số ca mắc Covid-19 từng ngày. Mai dự kiến nở đẹp mà thị trường chưa thể nói trước được gì vì còn phụ thuộc vào dịch bệnh", nghệ nhân Út Đực - chủ vườn mai Út Đực (TP Thủ Đức) lo lắng.

Theo nghệ nhân này, dù tình hình tới đây có ra sao thì giá cho thuê và bán mai chơi tết Nguyên đán 2022 cũng giảm khoảng 20%. Ví dụ, năm ngoái cho thuê 20 triệu đồng/cây cỡ to thì năm nay giá sẽ còn khoảng 15-16 triệu đồng/cây. Chi phí thuê trong vòng một tháng trên đã trọn gói vận chuyển tận nơi, bê và đặt chậu mai tại chỗ theo yêu cầu của khách. Nói chung, nhà vườn ưu tiên tối đa, khách không phải đụng chân tay mà chỉ cần ở nhà tận hưởng mai vàng sắc xuân.

Lượng khách chủ yếu của vườn mai Út Đực là văn phòng công ty tại các tỉnh lân cận thuê trưng tết. So với cùng kỳ mọi năm, số khách quen liên hệ đặt cây chưa được như kỳ vọng.

Tết năm ngoái, mua cây mai 300-500 triệu đồng biếu sếp là chuyện thường - 1

Một vườn mai lớn tại TPHCM đang rục rịch đón tết (Ảnh: Trần Chung).

Tại vườn mai Phương Bình (TP Thủ Đức), với 2.500 gốc mai trị giá khoảng 200 tỷ đồng, chủ vườn Nguyễn Ngọc Phương cho biết, mọi năm nhiều khách ở Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai sẵn sàng "thích thì nhích", bỏ ra số tiền từ 300-500 triệu đồng mua cây biếu tặng sếp là chuyện bình thường. Năm nay, vườn sẽ có chính sách giá "mềm" để thu hút tập khách hàng này.

Ngoài ra, đối với khách thuê, vườn cũng có mức giảm giá phù hợp. Nhà hàng, khách sạn đóng cửa thời gian dài, hoạt động kinh doanh khó khăn, ngân sách cắt giảm nên sẽ thuê hoặc mua các cây mai với kích thước nhỏ hơn.

Tết năm ngoái, mua cây mai 300-500 triệu đồng biếu sếp là chuyện thường - 2

Gốc mai xù mới được một vườn nhập về (Ảnh: Trần Chung).

"Hiện một số ngân hàng liên hệ để thăm dò thị trường. Chỉ mong không giãn cách xã hội như trước, tình hình kinh doanh của các vườn sẽ đỡ hơn. Ngân sách các cơ quan chi cho trang trí tết là có, nhưng chắc chắn eo hẹp", ông Phương thông tin.

Vườn mai tiền tỷ cùng bán hàng livestream

Lo lắng dịch bệnh ảnh hưởng tới việc bán hàng trực tiếp, các vườn mai đều dần chuyển hướng sang bán hàng online, thông qua các buổi livestream trực tiếp trên youtube.

Youtuber Phạm Hồng - chủ kênh ChoSaiGon - cho hay, trong quá trình đi quay tại hơn 200 vườn mai ở TPHCM, xu hướng của chủ vườn là chuyển qua bán hàng online. Người dân dễ tiếp cận hơn khi có thể ngồi nhà vẫn xem được hình ảnh trên youtube, đưa ra quyết định đặt hàng. Có vườn mai tại Bình Dương, chỉ sau một buổi livestream trực tiếp đã bán hết sạch các chậu mai nhỏ, giá từ 300.000-500.000 đồng/chậu.

Tết năm ngoái, mua cây mai 300-500 triệu đồng biếu sếp là chuyện thường - 3

Chủ vườn mai giới thiệu giá cây, bán hàng trực tiếp qua livestream (Ảnh: Trần Chung).

Dịch bệnh khiến mọi người vẫn có tâm lý sợ tiếp xúc, hạn chế đi mua trực tiếp. Do vậy, để chủ vườn tiếp cận, chào mời khách hàng với thông tin đa dạng. Công việc quay livestream tại các vườn mai của youtuber này khá bận rộn những ngày cuối năm.

Trong khi đó, Giám đốc HTX Hoa mai vàng Bình Lợi (huyện Bình Chánh) - ông Lê Hữu Thiện -  chia sẻ, HTX cũng có kênh youtube riêng và khách hàng liên hệ qua kênh này khá đều. Với khoảng 360.000 gốc mai thuộc HTX, ông Thiện nhận định, lượng khách chung của thị trường mai sẽ giảm khoảng 50% trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, mức giá giảm từ 20-30%. Cùng với đó, kênh bán hàng mai online sẽ phát triển mạnh.

Nghệ nhân Út Đực nhận xét, bán hàng online là một điểm tích cực, cần tận dụng. Dẫu vậy, đối với những người biết chơi mai thì nên chịu khó xuống tận vườn, xem tận mắt và tìm hiểu trực tiếp trước khi đưa ra quyết định. Bởi hình ảnh trên mạng có thể khác nhiều so với thực tế. Các chủ vườn cũng không phải vì tận dụng bán hàng online mà chạy theo lợi nhuận, bán cây xấu để tranh thủ kiếm lời. Như vậy, việc giao dịch mai online mới lan tỏa giá trị của cộng đồng chơi mai.

"Mọi năm, các vườn mai giao lưu qua lại vui bao nhiêu thì năm nay buồn bấy nhiêu. Dịch Covid-19 làm khổ ngành mai ghê gớm. Dân nhà vườn, ai có tài chính còn trụ được nếu không thì sổ đỏ đều cầm cố hết để nuôi nghề. Không bán được cây, không có tiền xoay vòng thì ngay cả chai thuốc xịt cho cây cũng thiếu", chủ vườn mai Út Đực nói.