Temasek mua cổ phần Pacific Airlines: Có nên kỳ vọng quá nhiều?

Đầu tháng 9 tới,Temasek sẽ chính thức mua 30% vốn cổ phần của Pacific Airlines, tương đương khoảng 50 triệu USD. Cho phép trong vụ chuyển nhượng này Bộ Tài chính dường như cố gắng tìm cho hãng hàng không đang đói vốn này một đối tác đầu tư chiến lược giàu tiềm năng.

Tuy nhiên, Temasek là ai và ngoài 50 triệu USD góp vốn thì liệu Temasek có khả năng mang lại điều gì để thúc đẩy sự phát triển của Pacific Airlines?

Được thành lập từ năm 1974, Temasek Holdings là công ty sở hữu Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính Singapore có chức năng quản lý phần vốn sở hữu của Chính phủ Singapore trong các doanh nghiệp. Bên cạnh những công ty thuộc nhiều ngành nghề đa dạng, nổi tiếng nhất trong danh mục đầu tư của Temasek phải kể đến Singapore Airlines, SingTel, Singapore Technologies và Ngân hàng DBS.

Temasek là một “siêu” thế lực tại Singapore với một đội ngũ nhân viên khoảng 170.000 người do đệ nhất phu nhân Singapore Ho Ching điều hành, kiểm soát hơn 20% thị trường cổ phiếu Singapore với tổng giá trị danh mục đầu tư trị giá khoảng 90 tỷ Đôla Singapore (tại thời điểm 31/03/2004), và đang triển khai mạnh chiến lược đầu tư vươn ra bên ngoài biên giới Singapore.

Temasek chính là hình mẫu của Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước vừa ra đời tại Việt Nam.Về bản chất, Temasek có mô hình hoạt động như một quỹ đầu tư chuyên nghiệp - đầu tư vốn vào các doanh nghiệp có triển vọng và sử dụng các nguồn lực của mình để tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp thông qua việc tái cơ cấu, đưa ra những hoạch định chiến lược hay những quyết định quan trọng khác.

Tôn chỉ hoạt động của Temasek là “tối đa hóa giá trị cho cổ đông” thông qua việc nâng cao giá trị các khoản đầu tư trong danh mục, và thước đo hiệu quả hoạt động của Temasek cũng chính là mức lợi tức do danh mục đầu tư mang lại.

Vậy trên thực tế hiệu quả hoạt động của “siêu” quỹ đầu tư này ra sao?

Theo số liệu công bố, Temasek mang lại cho cổ đông (tính theo giá trị thị trường của danh mục đầu tư) mức lợi tức đầu tư bình quân khá ấn tượng 18%/năm trong vòng 30 năm qua. Tuy nhiên, nếu tính riêng cho 10 năm gần nhất, mức lợi tức này giảm xuống chỉ còn 3%/năm - một con số quá tồi so với mặt bằng chung của ngành công nghiệp quản lý quỹ đầu tư.

Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn LEK hồi năm ngoái, 22 công ty niêm yết lớn trong danh mục đầu tư của Temasek chỉ tạo ra mức lợi tức bình quân khoảng 1,7%/năm. Những con số này đặt dấu hỏi về khả năng của Temasek trong việc làm tăng giá trị cho những khoản đầu tư.

Điều đáng nói hơn là trên thực tế, nhiều khoản đầu tư tốt nhất trong danh mục đầu tư của Temasek là những công ty có vị thế độc quyền hoặc được hoạt động trong môi trường bảo hộ.

Ví dụ, SMRT, công ty vận hành hệ thống tàu điện ngầm, được chính phủ Singapore đầu tư toàn bộ kinh phí xây dựng; hay Chartered Semiconductor, công ty công nghệ bán dẫn, được hưởng rất nhiều ưu đãi thuế của chính phủ. Với những hỗ trợ như vậy của Chính phủ Singapore, đáng lẽ danh mục đầu tư của Temasek phải mang lại kết quả cao hơn nhiều.

Ngay trong sự thành công của những công ty như Singapore Airlines, PSA, Keppel hay SembCorp, Temasek thực sự đóng vai trò như thế nào vẫn là điều còn phải bàn.

Chưa hết, Temasek và các công ty Temasek góp vốn đã từng thất bại khi đầu tư ra nước ngoài hoặc khi vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt. Phải sau nhiều năm những bất ổn trong các thương vụ đầu tư mới được giải quyết, ví dụ như trường hợp Ngân hàng DBS mua lại Ngân hàng Dao Heng của Hồng Công, SingTel mua lại Công ty viễn thông Optus của Australia, hay NOL mua lại Công ty vận tải biển APL.

Khoản đầu tư của Singapore Airlines (Temasek là cổ đông chi phối) vào hãng hàng không Air New Zealand là một tai họa và đã phải xóa sổ sau khi hãng này bị phá sản; tương tự như vậy là khoản đầu tư của SingTel vào Công ty C2C.

Thực sự hoạt động đầu tư của Temasek hiệu quả đến mức nào? Khó ai có thể biết chính xác khi tính minh bạch về hoạt động của Temasek luôn là một câu hỏi lớn trong suốt thời gian hoạt động 30 năm qua. Chỉ đến năm 2004, Temasek mới lần đầu tiên công bố báo cáo thường niên của mình.

Đây được coi là một bước đi mang tính chiến thuật của Temasek nhằm được các tổ chức định mức tín nhiệm như Standard & Poor’s và Moody’s xếp hạng, theo đó Temasek có thể phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế để có thể thực hiện chiến lược đầu tư mở rộng.

Ngay cả khi hoạt động của Temasek ít nhiều trở nên minh bạch hơn thì vấn đề kỷ luật thị trường đối với hiệu quả hoạt động của Temasek vẫn sẽ là một ẩn số. Xét cho cùng, Temasek do Nhà nước Singapore sở hữu, hơn nữa Temasek có vị thế đặc biệt tại Singapore.

Vậy có thể mong đợi gì từ khoản đầu tư 30% của Temasek vào Pacific Airlines? Một cuộc cách mạng tại Pacific Airlines để tạo ra một hãng hàng không mang dáng dấp của Singapore Airlines? Một kết cục như hãng hàng không Air New Zealand liệu có lặp lại?

Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào thực tế trong cặp của Temasek còn có gì khác ngoài 50 triệu USD và nếu có, liệu điều đó có thể thực hiện được và có thể tạo ra giá trị cho Pacific Airlines?

Theo VnEconomy