1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tế bào gốc: Tâng bốc để bán giá sốc

Được quảng cáo như “chiếc đũa thần” có khả năng đảo ngược quy luật lão hóa, tăng cường sức khỏe và diện mạo của mỗi người, các sản phẩm dưới tên gọi “tế bào gốc” đang được quảng cáo rầm rộ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày cao, nhất là về thẩm mỹ.

Trong điều kiện người tiêu dùng chưa thể kiểm chứng hiệu quả thực sự thì họ đã phải trả cái giá rất đắt để mua được sản phẩm. Đi cùng giá sốc đó là những quảng cáo tâng bốc "lên mây xanh" về hiệu quả của nó.

 

Lố bịch và lừa đảo

 

Sản phẩm tế bào gốc của thẩm mỹ viện X. tại Hà Nội được quảng cáo với giá bán từ 1,2 đến 3,5 triệu đồng/lọ tùy trọng lượng khác nhau. Một loạt thẩm mỹ viện khác cũng rao bán sản phẩm tế bào gốc với giá tương tự, thậm chí có cả... hàng xách tay, được đặt tên rất "kêu": "Tế bào gốc bất tử"! Còn công dụng điều trị thì: "Phụ nữ có thể trẻ lại 5-10 tuổi chỉ sau một lần sử dụng dịch vụ làm đẹp trọn gói từ tế bào gốc sống với giá 105 triệu đồng".

 

Thẩm mỹ viện này còn giới thiệu khá kỹ về quy trình sử dụng sản phẩm của họ: Sau khi lăn kim trên da, tế bào gốc sống được cấy sâu vào dưới da, sau 60 phút, da có biểu hiện đỏ nhẹ, căng mọng...Từ 3 đến 4 ngày sau, da bắt đầu bong tróc, các tế bào già cỗi dần được thay thế bằng làn da mới. Sự thúc đẩy, đào thải tái sinh tế bào mới được nhìn thấy sau 2 tháng, đem đến làn da không tuổi vì tế bào cũ đã được thay thế hoàn toàn!

 

Một quảng cáo về sản phẩm điều trị có ứng dụng công nghệ tế bào gốc
Một quảng cáo về sản phẩm điều trị có ứng dụng công nghệ tế bào gốc

 

PGS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện đa khoa Xanh pôn Hà Nội, cho biết: "Cần phải khẳng định một điều là những thông tin về việc sử dụng tế bào gốc trong thẩm mỹ hiện nay là mập mờ, thiếu khoa học và mang nặng tính thương mại".

  

Tế bào gốc không thể trộn với các loại kem

 

Ông Sơn nói rằng ở Việt Nam tế bào gốc là một lĩnh vực còn mới mẻ và chưa có nhiều nghiên cứu sâu. Các sản phẩm bày bán trên thị trường nhiều nơi thậm chí còn nói đó là sản phẩm tế bào gốc. Nhưng sự thực không thể có sản phẩm nào như vậy.

 

"Tế bào gốc thực sự phải được sống trong một môi trường đặc thù, không thể nào đem nó pha trộn với các loại kem, các loại dung môi khác mà nó vẫn phát huy tác dụng", ông Sơn nhấn mạnh.

 

Còn ông Nguyễn Viết Lượng, Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia, cho hay, tiềm năng của tế bào gốc là lớn nhưng sản phẩm ứng dụng tế bào gốc thì còn ít. Những thông tin về khả năng của tế bào gốc mới chỉ ở dạng lý thuyết và nghiên cứu là chính.

 

Tuy nhiên, người tiêu dùng bị lừa khá nhiều về điều này. Sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc thực ra chỉ là ứng dụng của công nghệ này chứ không phải là tế bào gốc thật.

 

"Họ bị nhầm lẫn giữa tế bào gốc với sản phẩm ứng dụng công nghệ tế bào gốc. Đây là chiêu mà các nhà sản xuất đưa ra để bán được sản phẩm của họ", ông Lượng cho hay.

 

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi sử dụng sản phẩm. Hiện có thẩm mỹ viện nêu rõ sản phẩm ứng dụng công nghệ tế bào gốc nhưng cũng có thẩm mỹ viện lập lờ khiến người tiêu dùng hiểu sai, bỏ ra hàng triệu đồng để mua rồi sử dụng song hiệu quả không như mong muốn.

 

Tế bào gốc là gì?

 

Theo PGS.TS Trần Thiết Sơn, tế bào gốc là những tế bào sinh học được tìm thấy trong tất cả các sinh vật đa bào, nó có thể phân chia và biệt hóa thành các loại tế bào chuyên biệt khác nhau.

 

Ở động vật có vú, có hai loại tế bào gốc: tế bào gốc phôi được phân lập từ tế bào phôi, tế bào gốc trưởng thành được tìm thấy trong một số mô khác nhau.

 

Ở phôi thai đang phát triển, các tế bào gốc có thể biệt hóa thành tất cả các tế bào chuyên biệt, đây là những tế bào gốc đa năng và chúng cũng còn duy trì sự hoạt động của các cơ quan tái sinh sản như máu, da, hoặc mô ruột.

 

Ở sinh vật trưởng thành, các tế bào gốc hoạt động như một hệ thống sửa chữa cơ thể, bổ sung thêm các mô trưởng thành.

 

Ông Sơn cho rằng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, nặng tính chất vụ lợi thương mại, thiếu sự kiểm soát của giới khoa học và của hội đồng chuyên môn, không có sự kiểm chứng khoa học bằng các nghiên cứu nghiêm túc nên nhiều khi các quảng cáo về tế bào gốc (như trên) trở nên lố bịch và phản khoa học.

 

Ở nhiều nước, các nhà khoa học đã lên tiếng báo động tình trạng này, thậm chí còn cảnh báo các quảng cáo này đều là trò lừa đảo.

 

Theo Yến Nhi

VEF

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm