Tây “ba lô”, những chiêu lừa tiền ngoạn mục

Ngoài chuyện dân mình “chặt chém” du khách Tây bị “ném đá” gần đây, cũng có không ít những người Việt nhẹ dạ, cả tin, sính ngoại và ham làm giàu nhanh chóng đã mắc phải những chiêu lừa tiền ngoạn mục của người nước ngoài.

Rửa đô la lừa tiền tỷ

 

Qua mạng Internet, chị Đỗ Thị Xuân Đào (SN 1973, thường trú quận Bình Thạnh) quen với một người quốc tịch Anh có tên William. William nhờ chị Đào giúp đỡ để đầu tư vào Việt Nam. Sáng 25/4/2013, William điện báo công ty của anh ta đã chuyển tiền và hẹn có người tên John sẽ liên hệ với chị Đào.

 

Đến 9h cùng ngày, John nhắn tin đang ở Hà Nội và yêu cầu chị Đào chuyển 44 triệu đồng vào tài khoản cho John. Khi nhận được tiền, John hẹn gặp chị Đào tại khách sạn và nói với chị Đào có số tiền là 1,5 triệu USD dính đầy bột màu trắng, sau đó lấy 2 tờ 100 USD đem rửa sạch đưa cho chị 1 tờ bảo đem đổi và hẹn sáng hôm sau quay lại lấy tiền.

 

Sáng 26/4, chị đến gặp John tại khách sạn, John yêu cầu chị đưa 50.000 USD để anh ta đi mua hóa chất ở Tổng Lãnh sự quán Mỹ để về làm sạch tiền và hứa cho 300.000 USD, chị Đào đã đưa 50.000 USD cho John. Sáng 27/4, John nhắn tin hẹn chị Đào đến một khách sạn ở phường 13, quận Tân Bình lấy tiền. Tuy nhiên, chị Đào đến đã không gặp John mà gặp 1 người đàn ông da đen, nói John bị Tổng Lãnh sự quán Mỹ giữ lại vì không có giấy chứng nhận mua hóa chất. Ông ta thay thế John để mua hóa chất và mở vali lấy 5 tờ loại 100 USD rửa sạch rồi đưa cho chị 4 tờ để đổi xài.

 

Tiếp đến, ông ta nói phải mua thêm hóa chất nên nói chị đưa thêm 15.000 USD và đưa vali cho chị Đào. Khi về nhà chị Đào mở vali mới phát hiện mình bị lừa và đến công an trình báo.
 
Trai Tây lừa tình, gạt tiền gái Việt

 

Trai Tây lừa tình, gạt tiền gái Việt

 

Tháng 7/2011, bà Đinh Thị Diệu (quận 7, TP.HCM), qua một trang mạng xã hội, quen một người đàn ông xưng tên Renzo Roland (47 tuổi). Sau một tháng trò chuyện trên mạng, Renzo Roland nói sẽ về Việt Nam để làm đám cưới với bà Diệu.

 

Khi ra đón “người tình qua mạng” ở sân bay Tân Sơn Nhất, bà Diệu không thấy Renzo Roland. Ngay sau đó, Renzo gọi điện thoại cho bà Diệu nói đang ở sân bay Nội Bài - Hà Nội và bị hải quan sân bay bắt giữ do mang tiền theo với số lượng lớn. Renzo nhờ bà Diệu giúp 1.000 USD để đóng phạt, khi lấy tiền ra được sẽ trả lại.

 

Bà Diệu đã chuyển số tiền 20.810.000 đồng vào tài khoản của Renzo. Sau khi nhận được tiền, Renzo tiếp tục nói bà Diệu đưa tiếp 3.000 USD để "lót tay" cho cán bộ sân bay để vụ việc được giải quyết nhanh chóng. Không dừng lại ở đó, hắn còn bảo bà Diệu gửi thêm tiền để mua đồ ăn vì nhân viên sân bay không cho ăn uống. Xót lòng, bà Diệu chắt chiu gửi tiếp 2 triệu đồng cho Renzo Roland. Sau khi nhận được, Renzo lại tiếp tục yêu cầu gửi thêm tiền. Đến lúc này, bà Diệu mới biết mình bị lừa và đi trình báo với cơ quan điều tra.

 

Giống như bà Diệu, cũng có nhu cầu tìm bạn trên mạng, bà Lê Thị Ánh Hồng (ngụ quận Thủ Đức) tham gia vào một trang mạng xã hội và quen một người tên Raymond Cole (quốc tịch Anh, 39 tuổi). Tháng 11/2010, Raymond Cole nói sẽ đến Việt Nam du lịch và muốn gửi đồ qua trước. Khoảng hai tuần sau, bà Hồng nhận được email và điện thoại của công ty vận chuyển Global Shipping Company London gửi yêu cầu chuyển 1.000 USD (phí vận chuyển hàng hóa từ Malaysia đến Việt Nam), nếu không hàng sẽ không được chuyển đến.

 

Không liên lạc được với Raymond Cole, bà Hồng đã gửi 19.480.000 đồng vào tài khoản theo hướng dẫn của đại diện Global Shipping. Hai ngày sau, công ty này yêu cầu bà Hồng gửi tiếp 6.000 USD phí bảo hiểm vì hàng này có giá trị lớn, bà Hồng tiếp tục gửi 116.820.000 đồng (tương đương 6.000 USD). Sau khi nhận tiền, công ty này lại tiếp tục yêu cầu bà Hồng gửi tiếp 10.000 USD để đóng phí hải quan vì hàng đang bị Hải quan Mailaysia bắt giữ. Đến lúc này, bà Hồng mới tá hoả biết là bị lừa...

 

Mất nửa triệu Euro vì ham chuyển tiền lậu

 

Thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài là cử người sang Việt Nam tìm cách liên hệ với người làm dịch vụ chuyển tiền lậu. Sau đó, chúng đặt vấn đề muốn chuyển một lượng tiền rất lớn từ nước ngoài về Việt Nam thông qua dịch vụ này, phí được hưởng lên đến 20% tổng số tiền giao dịch. Tiếp theo, chúng dùng thủ đoạn đánh tráo số tiền được chuyển để chiếm đoạt.

 

Tiêu biểu là vụ lừa đảo của đối tượng có tên là Vasilescu Serban Dan, chuyên hoạt động lừa đảo quốc tế tại nhiều nước như Mỹ, Pháp và các nước châu Âu khác. Sau khi từ Đức nhập cảnh Việt Nam, Vasilescu Serban Dan đã tiếp xúc với bị hại là người chuyên làm dịch vụ chuyển tiền lậu, đặt vấn đề cần chuyển 500.000 Euro từ CHLB Đức về Việt Nam.

 

Phương thức chuyển tiền là người quen của bị hại ở Đức (có tên là Dinh Dilan) sẽ nhận tiền của đối tượng là đồng bọn của Vasilescu Serban Dan, sau đó Dinh Dilan sẽ điện thoại từ Đức báo cho bị hại biết là tiền ở bên kia đã nhận đủ, khi đó tại Việt Nam, bị hại sẽ chuyển tiền cho Vasilescu Serban Dan.

 

Phần tiếp của kịch bản lừa đảo được diễn ra tại Đức. Đối tượng mang vali tiền ra đếm cho người bị hại ở Đức kiểm tra đủ số lượng tiền rồi chúng khóa vali lại. Khi Vasilescu Serban Dan nhận được tiền ở Việt Nam thì đồng bọn ở Đức nhanh chóng tẩu thoát, bị hại sau đó không thể mở được vali tiền, mất một khoảng thời gian để phá vali kiểm tra, phát hiện trong đó toàn giấy vụn và giẻ rách. Lúc này, Vasilescu Serban Dan cũng đã “biến mất” cùng số tiền lớn của bị hại tại Việt Nam.

 

Lừa đổi tiền

 

“Tây” thường vào các cửa hàng kinh doanh, hay các văn phòng vắng người để vào đổi tiền. Mở đầu bằng các màn xì xồ, lợi dụng rào cản về ngôn ngữ, chúng đòi “xem” các loại tiền theo mệnh giá, hay nhờ giới thiệu các loại tiền, đếm hộ tiền... Sau khi Tây đi khỏi, các mới phát hiện ra bị mất tiền. Nhiều nạn nhân cho hay, sự việc diễn ra rất nhanh và hoàn toàn diễn ra giữa ban ngày, không hiểu đầu cua tai nheo ra sao lại mất tiền.

 

Thành viên kimthanhnguyen kể lại chuyện bị lừa trên một diễn đàn: “Mình đang ngồi bán hàng có ông tây trông rất đẹp trai và lịch sự. Sau khi lấy sợi dây sen tắm và một vài thứ nữa, hắn ta đưa 100 USD. Mình trả lại tiền loại 100.000VND nhưng hắn nhất quyết không lấy và đòi tiền 200.000VND. Mình nói không có, hắn ta nói mọi người đi đổi cho hắn. Rồi cứ đổi đi đổi lại, cứ đòi xem các loại tiền khác và không hiểu sao mình đưa 2 tập tiền 100.000VND cho hắn xem. Ông xã mình cũng đứng đó. Hắn ta trả lại và nói chờ chút chạy ra ngoài lấy tiền khác thì ôi thôi, mình đã bị rút mất mỗi tập một nửa số tiền rồi”.

 

Theo Nhị Anh (tổng hợp)

VEF