1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tập dượt AFTA

Chỉ còn vài tháng nữa Việt Nam phải hoàn tất nghĩa vụ cắt giảm thuế (xuống mức 0-5%) theo Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) trong khuôn khổ thực hiện khu vực tự do thương mại Asean (AFTA). Sau gần năm năm tham gia sân chơi khu vực, Việt Nam vẫn còn không ít vấn đề cần giải quyết trước khi bước vào sân chơi lớn hơn là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra tại cuộc hội thảo về AFTA hôm 26/8 tại TP Hồ Chí Minh, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước tăng lên đáng kể trong 10 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước Asean tăng gấp ba lần, từ gần 1 tỷ đô la Mỹ vào năm 1995 lên hơn 3 tỷ đô la vào năm 2004. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng từ 2,3 tỷ đô la lên hơn 6 tỷ đô la Mỹ sau 10 năm.

 

Mặc dù giá trị tuyệt đối của dòng luân chuyển hàng hóa tăng cao song nếu xét trên tổng thể quan hệ ngoại thương của Việt Nam thì tỷ trọng buôn bán với các nước Asean lại có xu hướng giảm dần. Cụ thể tỷ trọng xuất khẩu sang Asean trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam giảm từ 19,3% vào năm 1995 xuống 14,7% vào năm ngoái. Tỷ trọng nhập khẩu cũng giảm từ 27,8% xuống 23,6% trong cùng thời gian này.

 

Mặc dù đến nay các cơ quan chức năng chưa có một báo cáo đánh giá tác động toàn diện, cụ thể của việc gia nhập AFTA nhưng những số liệu ở trên cho thấy giao thương hàng hóa trong khu vực Asean của Việt Nam không tăng nhanh bằng giao thương ngoài khu vực.

 

Trong bối cảnh Việt Nam chưa rõ có thể gia nhập WTO trong năm nay hay không thì việc khai thác và tận dụng tối đa những lợi thế của thị trường chung Asean vẫn được xem là một trong những biện pháp để tăng xuất khẩu, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

 

Liên quan đến vấn đề này, ông Rodolfo C. Severino, nguyên Tổng thư ký Asean, cho rằng tỷ trọng mua bán trong nội vùng Asean của Việt Nam giảm là điều cần quan tâm nhưng quan trọng hơn là tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng, dù là tăng mạnh trong giao thương với Mỹ và Trung Quốc.

 

Trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng do toàn cầu hóa và khu vực hóa mang đến, các nước trong khu vực đều tranh thủ đàm phán và tiến đến các hiệp định thương mại song phương để đẩy mạnh xuất khẩu và qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Ông Severino giải thích thêm, trước mắt AFTA không chỉ giúp hàng hóa lưu thông ở mức cao nhất có thể được trong khu vực mà còn tạo ra một thị trường rộng lớn (có hơn 500 triệu dân và tổng GDP tương đương của Trung Quốc), có tính cạnh tranh cao nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, và kết quả sẽ là thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

 

Hơn nữa, theo ông Severino, gia nhập AFTA còn là yếu tố tích cực để Việt Nam đàm phán gia nhập WTO và có được sự hỗ trợ từ các nước Asean về mặt chuẩn bị.

 

Các tham luận trình bày tại hội thảo cũng chỉ ra rằng AFTA đã mang lại những cơ hội để doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm nhằm tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, về mặt này doanh nghiệp Việt Nam phần đông còn chưa nắm bắt được cơ hội.

 

Nói đến bài toán giá cả là nói đến một trong những yếu tố gay gắt nhất trong cạnh tranh mà cạnh tranh lại không thể thoát ly khỏi ảnh hưởng của năng suất lao động. Các số liệu nghiên cứu của Việt Nam cho thấy trong tăng trưởng GDP của Việt Nam thì năng suất lao động và đổi mới công nghệ chỉ đóng góp 22,5%, trong khi con số này của các nước trong khu vực là 40%.

 

Bên cạnh đó, nhiều ngành kinh tế trong nước còn được Nhà nước bảo hộ khiến cho năng lực cạnh tranh cũng bị hạn chế.

 

Hội thảo về AFTA tuần rồi cũng phần nào nói lên mức độ quan tâm của doanh nghiệp - những người tham gia cuộc chơi thực sự - đối với sân chơi AFTA. Số lượng doanh nghiệp tham dự không nhiều, ý kiến trao đổi (của doanh nghiệp) khá nghèo nàn trong khi các diễn giả vốn là những chuyên gia tư vấn rất am hiểu về Asean nói chung và CEPT/AFTA nói riêng.

 

Theo các chuyên gia này, với tư cách là thành viên mới của Asean, Việt Nam có lộ trình cắt giảm thuế quan chậm hơn các nước thành viên cũ là ba năm, và trong một số trường hợp còn lâu hơn. Ngoài ra, trong nội bộ Asean còn có những hệ thống ưu đãi như AISP (Asean Integration System of Preferences) hoặc AICO (Asean Industrial Co-operation Scheme).

 

Theo đó, sáu nước thành viên cũ của Asean sẽ cho bốn nước thành viên mới (trong đó có Việt Nam) hưởng ngay mức thuế ưu đãi đối với một số mặt hàng mà không cần theo lộ trình (AISP), hay các doanh nghiệp tham gia cơ chế hợp tác AICO sẽ được hưởng thuế suất 0%.

 

Đây cũng là những cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Asean, song lại chưa được tận dụng. Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa theo dạng này chỉ chiếm 0,57% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Asean (năm 2002) và có tăng lên trong hai năm qua nhưng chưa nhiều.

 

Theo các chuyên gia về Asean, khi xây dựng chiến lược kinh doanh, các doanh nghiệp nên thay đổi cách nghĩ. Không nên bó hẹp hoạt động trong nước mà nên nghĩ đến chiến lược khu vực để tận dụng những ưu đãi, những lợi thế ở từng nước từ đó xây dựng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp mình trên sân chơi ASEAN và sân chơi toàn cầu rộng lớn.

 

Theo SgEconomy