Tập đoàn Nhà nước đã trở nên "quá lớn để cải cách"?
(Dân trí) - Việc gia nhập WTO đã góp phần vào sự xuất hiện của các tập đoàn kinh tế nhà nước, không chỉ trở nên “quá lớn để có thể cải cách” mà còn có khả năng vô hiệu hóa nhiều tác động tích cực tiềm tàng của việc gia nhập WTO đối với chính mình.
Nêu quan điểm tại báo cáo Kinh tế vĩ mô 2014 do Ủy ban Kinh tế phát hành ngày 26/6, TS Vũ Thành Tự Anh đánh giá, việc Việt Nam gia nhập WTO đem lại tác động tích cực cho cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhất thiết phải có sự cộng hưởng nhịp nhàng giữa những nỗ lực cải cách tự thân từ bên trong với những cơ hội thị trường cũng như áp lực cạnh tranh từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc phát triển một cách ồ ạt các tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) có quy mô lớn và kinh doanh đa ngành đã triệt tiêu hầu hết các tác động tích cực tiềm tàng của việc gia nhập WTO đối với cải cách DNNN.
Cho rằng việc gia nhập WTO không phải là nguyên nhân duy nhất, càng không phải là nhân tố quyết định nhất cho việc đẩy mạnh mô hình TĐKT nhà nước, nhưng theo TS Vũ Thành Tự Anh, mốc này đã đóng vai trò như một chất xúc tác, một chất men kết dính quan trọng tạo điều kiện cho sự đồng thuận đủ mạnh giúp đẩy nhanh tiến độ mở rộng của các tập đoàn kinh tế nhà nước cả về phạm vi và quy mô.
Kết quả là từ năm 2005 các TĐKT nhà nước liên tục ra đời. Đến thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đã có 8 TĐKT được thành lập, và đến giữa năm 2011, tổng cộng có tới 13 TĐKT.
"Ông lớn" Nhà nước vẫn hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi cho dù nền kinh tế hội nhập.
Theo tác giả, về nguyên tắc, GATT và sau đó là WTO không có quy tắc đặc biệt dành riêng cho DNNN, song, các cam kết WTO và việc thực hiện các cam kết này có thể có nhiều tác động quan trọng đối với hoạt động và quản trị của các DNNN.
Cụ thể, việc gia nhập WTO đã đem lại nhiều thay đổi quan trọng trong khung pháp luật của Việt Nam vốn phải được điều chỉnh để thích ứng với các giá trị cơ bản cốt lõi của WTO như tự do thương mại, cạnh tranh công bằng và không phân biệt đối xử. Ước tính rằng để đáp ứng các yêu cầu của việc gia nhập WTO, Việt Nam phải ban hành hoặc sửa đổi khoảng 500 đạo luật.
Nếu nguyên tắc đối xử quốc gia được áp dụng một cách nghiêm túc thì nó không chỉ cân bằng lại sân chơi vốn nghiêng về phía DNNN mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân, qua đó tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với DNNN.
Bên cạnh đó, giảm rào cản thương mại là một mục tiêu chính của các phiên đàm phán WTO. Khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết ràng buộc với toàn bộ biểu thuế nhập khẩu hiện hành bao gồm 10.600 dòng thuế, trong đó mức thuế quan trung bình được giảm đều từ 17,4% xuống còn 13,4% trong giai đoạn từ 5-7 năm. Tương tự như vậy, các hàng rào phi thuế quan (NTBs) cũng phải giảm, thậm chí bị hủy bỏ.
Các hàng rào thuế quan và phi thuế quan có một số tác động lên DNNN. Một cách trực tiếp, chúng làm giảm phạm vi độc quyền của DNNN, đồng thời làm gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, các mối đe dọa tiềm tàng đối với DNNN đã được sử dụng để tạo ra một sự đồng thuận nhất định về nhu cầu cấp thiết phải thúc đẩy sự phát triển của DNNN, đặc biệt là của những tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Như vậy, theo một cách nào đó, việc gia nhập WTO đã góp phần vào sự xuất hiện của các tập đoàn kinh tế nhà nước, không chỉ trở nên “quá lớn để có thể cải cách” mà còn có khả năng vô hiệu hóa nhiều tác động tích cực tiềm tàng của việc gia nhập WTO đối với chính mình.
Tác giả dẫn chứng: Việc được nâng cấp lên tập đoàn kinh tế với mô hình kinh doanh đa ngành đã cứu nguy cho tình trạng suy kiệt tín dụng. Với mô hình kinh doanh mới này, các TĐKT có thể huy động vốn từ nhiều nguồn - từ các công ty tài chính, từ nguồn tiền nhàn rỗi của các công ty bảo hiểm, và quan trọng nhất, từ chính NHTM do TĐKT sở hữu, sau đó bơm tín dụng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Trong điều kiện kinh tế thuận lợi, với những nguồn vốn nội bộ dồi dào này, các TĐKT không còn cần đến hỗ trợ của Nhà nước hay tín dụng chỉ định nữa. "Một cách trớ trêu, chính sự thừa vốn - chứ không phải thiếu vốn - mà không có năng lực tận dụng một cách hiệu quả đã khiến cho một số TĐKT gặp nhiều khó khăn".
Tác giả cũng chỉ rõ, dù hội nhập nhưng TĐKT vẫn được hưởng đặc quyền tiếp cận với các nguồn lực của nhà nước, trong đó quan trọng nhất bao gồm đất đai, tài nguyên tự nhiên, tín dụng hỗ trợ phát triển, đầu tư công (đặc biệt là cơ sở hạ tầng) và mua sắm công. Việc gia nhập WTO nhìn chung không hề động chạm gì tới các các đặc quyền này.
Với những phân tích của mình, tác giả đánh giá, Hiệp định thương mại quốc tế không nhất thiết có lợi cho cải cách như kỳ vọng, thậm chí trong một số trường hợp có thể trở nên phản tác dụng.
Theo tác giả, điều đáng tiếc là ở Việt Nam là những cải cách thể chế đáng kể nhất đều thuộc về giai đoạn “tiền WTO”, còn trong giai đoạn “hậu WTO” thì ít có tiến bộ đáng kể.
Việc bùng nổ mạnh mẽ các tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn và kinh doanh đa ngành đã triệt tiêu hầu hết các tác động tích cực tiềm tàng của việc gia nhập WTO đối với cải cách DNNN. Cụ thể là cạnh tranh trong nhiều ngành có sự hiện diện của TĐKT hầu như không được tăng cường, sở hữu chéo giữa các DNNN tinh vi và phức tạp hơn, nguyên tắc đối xử quốc gia được thực hiện một cách hình thức nhưng không thực chất, và sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài còn hết sức khiêm tốn.
"Nếu chúng ta không có những nỗ lực cải cách tự thân từ bên trong một cách mạnh mẽ và có hệ thống thì những cơ hội cải cách sắp tới khi chúng ta gia nhập TPP, ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... và nhiều hiệp định hợp tác quốc tế khác, một lần nữa có thể lại tuột khỏi tầm tay." - TS Vũ Thành Tự Anh cảnh báo.
Bích Diệp