Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ động thích ứng nhanh với công nghiệp 4.0

Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0) là sự phát triển tất yếu của thế giới, tác động to lớn đến mọi mặt của đời sống tự nhiên và xã hội tất cả các quốc gia. Ngành công nghiệp dầu khí là một trong những tâm điểm của cuộc cách mạng này. Báo Năng lượng Mới đã phỏng vấn Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng xung quanh việc nắm bắt cơ hội đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tại Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên trong xu thế của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 hiện nay.

PV: Thưa Phó tổng giám đốc (PTGĐ), xin ông cho biết vài nét về nhận thức và hành động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đối với công nghiệp 4.0 khi ngành Dầu khí Việt Nam luôn được coi là ngành hội nhập quốc tế sâu rộng nhất?

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ động thích ứng nhanh với công nghiệp 4.0 - 1

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng

PTGĐ Lê Mạnh Hùng: Trước hết, tôi khẳng định rằng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn đều nhận thức đầy đủ về những thách thức và cơ hội, đồng thời có tâm thế sẵn sàng và đang từng bước chuẩn bị kỹ lưỡng để thích ứng nhanh với cuộc CMCN 4.0.


Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp tiên phong trong hội nhập quốc tế, có nền tảng khoa học công nghệ đồng bộ, hiện đại, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới của công nghiệp dầu khí thế giới, vì vậy hiểu biết về công nghiệp 4.0 tất nhiên phải kịp thời và toàn diện.

Với yếu tố cốt lõi là sự hội tụ của mô hình sản xuất thông minh cùng với sự phát triển đột phá trong công nghệ số: Vạn vật kết nối (Internet of Things-IoT), robot, 3D, dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp 4.0 liên quan trực tiếp và mật thiết đến mọi hoạt động của công nghiệp dầu khí từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn.

Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có định hướng triển khai ứng dụng công nghiệp 4.0 trong toàn Tập đoàn thời gian tới. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện, trong đó có việc xây dựng đề cương, xây dựng cơ sở dữ liệu của toàn Tập đoàn phù hợp với quy hoạch ngành và quy hoạch từng lĩnh vực hoạt động của ngành trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn… để tạo nền tảng thực hiện cuộc CMCN 4.0 về công nghệ cũng như hệ thống quản trị doanh nghiệp.

PV: Hiện nay, theo ông, những yếu tố được coi là nền tảng đã hình thành hay chưa và những thách thức nào Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải đối diện trong quá trình tiếp cận công nghiệp 4.0?

PTGĐ Lê Mạnh Hùng: Sản xuất thông minh với nền tảng tự động hóa là yếu tố cơ bản dẫn dắt cuộc CMCN 4.0 và cũng chính là yếu tố có thể tạo đột phá cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Trong chiến lược phát triển bền vững, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xác định một trong những nhiệm vụ then chốt là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, gắn kết nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao công nghệ; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ một cách đồng bộ.

Với hạ tầng về công nghệ thông tin, tự động hóa, năng lực làm chủ công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển, trình độ quản lý, nhân lực... và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện nay, có thể nói, những yếu tố nền tảng đã được hình thành một cách chủ động và bài bản, khả năng tiếp cận và ứng dụng các thành tựu công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.

Mặc dù vậy, thách thức với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là không nhỏ trong cuộc CMCN 4.0. Một chiến lược tổng thể cho toàn ngành chuyển đổi quy trình công nghệ và hệ thống quản lý sang tự động hóa, số hóa đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, trong khi giá dầu hiện nay tương đối thấp và công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí toàn cầu đang ở trong giai đoạn rất khó khăn.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn phải đối mặt với yêu cầu giảm giá thành tấn dầu gia tăng trữ lượng và tấn dầu khai thác, tấn sản phẩm chế biến, cải thiện hiệu quả khai thác và giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường, hạn chế tối đa phát thải khí CO2. Bên cạnh đó là thách thức về rào cản chính sách, rủi ro về an ninh, an toàn khi kết nối với bên ngoài.

PV: Được biết, trong kế hoạch thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên đang lựa chọn những giải pháp ứng dụng phù hợp với thực tiễn hoạt động của mình. Ông nhìn nhận như thế nào về tiến trình này?

PTGĐ Lê Mạnh Hùng: Ngành Dầu khí là một trong những ngành kinh tế kỹ thuật có hàm lượng khoa học công nghệ cao với việc ứng dụng từ rất sớm các công nghệ hiện đại như khảo sát địa chấn 2D, 3D, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây… trong sản xuất kinh doanh, cũng như ứng dụng công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới trong các nhà máy chế biến đạm, lọc hóa dầu, xử lý khí… Nhưng không dừng lại ở đó, việc tiếp tục khai thác các giải pháp công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhất của công nghiệp 4.0 để giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang thực hiện các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trực thuộc chủ động, tích cực nâng cao năng lực thích ứng với công nghiệp 4.0 thông qua các buổi hội thảo hay các khóa đào tạo về lĩnh vực này. Mặt khác, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu, chuẩn hóa mã vật tư, thiết bị trong toàn ngành để cài đặt trên hệ thống thông tin của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và kết nối trực tuyến áp dụng cho các doanh nghiệp trong toàn ngành; lựa chọn và thống nhất hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối để áp dụng trong ̣từng khâu của lĩnh vực dầu khí. Thông qua việc kết nối, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và ứng dụng Internet vạn vật, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể quản lý một lượng lớn cơ sở dữ liệu dầu khí quốc gia, bao gồm các hệ thống về dữ liệu trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, mở rộng xây dựng, kết nối với các khâu còn lại.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ động thích ứng nhanh với công nghiệp 4.0 - 2


Bên cạnh đó, những ứng dụng như lắp đặp cảm biến thông minh nhằm “số hóa” hệ thống sản xuất, cho phép theo dõi, giám sát chất lượng sản phẩm và tài sản trong thời gian thực, giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiết kiệm được thời gian và nhân lực trong khâu thu thập dữ liệu, đồng thời có thể phân tích và đưa ra những điều chỉnh kịp thời trong quy trình sản xuất, tối ưu hóa hiệu suất làm việc của máy móc và nâng cao tính liên kết giữa các công đoạn.

Các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chuẩn bị các nguồn lực về con người, tài chính để lập kế hoạch ứng dụng những công nghệ 4.0 phù hợp với thực tiễn hoạt động, tiêu biểu như Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, Viện Dầu khí Việt Nam… Những doanh nghiệp này đều có mức độ thích ứng, nhu cầu và kế hoạch thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khác nhau để đổi mới phương thức sản xuất, phát triển kinh doanh và dịch vụ trong quy hoạch, chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn PTGĐ đã dành thời gian cho bạn đọc Năng lượng Mới


Việc tiếp tục khai thác các giải pháp công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhất của công nghiệp 4.0 để giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Theo: Nguyễn Tiến Dũng

Năng lượng mới