“Tập đoàn” đang sống ngoài vòng pháp luật!

(Dân trí) - Khái niệm tập đoàn đang gây tranh luận trong giới kinh doanh đầu tư. Việt Nam có tập đoàn kinh tế đúng nghĩa hay không? Dân trí đã phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Quang A, chuyên gia cao cấp kinh tế & ngân hàng về vấn đề này.

Sự ra đời những tập đoàn là điều chứng minh cho sự phát triển của nền kinh tế vì ngay từ đầu thế kỷ 20, các nước tư bản đã hình thành những tập đoàn xuyên quốc gia. Nhưng thưa ông, hình như khái niệm “tập đoàn” không phải như ta đang quan niệm?

Tôi nghĩ “tập đoàn” không phải là một pháp nhân. Không có một thực thể pháp lý gọi là “tập đoàn”. Nó là một nhóm công ty liên kết với nhau về sở hữu, về sản phẩm hoặc chiến lược…

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng: “Theo chủ trương, việc thành lập Tập đoàn kinh tế mới thực hiện thí điểm, sau khi tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm, mới triển khai đồng loạt nhưng sau 2 năm thực hiện, đã có 8 Tập đoàn kinh tế, nhiều Tổng công ty Nhà nước dạng 90, 91 tiếp tục xin triển khai để lập Tập đoàn Kinh tế. Ủy ban Kinh tế nhận thấy cần sớm có tổng kết đánh giá việc thành lập các tập đoàn kinh tế”.

Vì vậy, nó chỉ được hình thành chứ không thể được thành lập. Không thể kiện một tập đoàn, không thể cho một tập đoàn phá sản cũng như không có chủ tịch hoặc tổng giám đốc tập đoàn… Việt Nam cũng vậy mà thế giới cũng vậy.

Việc gọi là thành lập các tập đoàn là một chuyện vô nghĩa. Khi thí điểm thành lập các tập đoàn, mình không thấy Luật công ty có quy định. Ngay cả Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng không thấy quy định về tập đoàn.

Còn nếu các công ty góp vốn với một vài công ty khác hình thành một nhóm các công ty và gọi đó là tập đoàn thì không sao. Nhưng đi thành lập một tập đoàn là một điều vô nghĩa. Nó chỉ là một cái tên tự xưng, tự phong cho nó oai thôi.

Ông nói, khái niệm tập đoàn không được quy định trong luật?

Luật Doanh nghiệp 2005 có nêu khái niệm tập đoàn bao gồm một nhóm công ty và cũng thống nhất với cách hiểu của thế giới: bản thân nó không phải là pháp nhân. Mà không phải là pháp nhân thì việc thành lập là vớ vẩn.

Như vậy theo ý ông, chúng ta gọi tập đoàn Dầu khí quốc gia, tập đoàn Dệt may, tập đoàn Điện lực… là không đúng pháp luật?

Tôi nghĩ không có cái như thế mà đi thành lập pháp nhân như thế thì không đúng luật.

Thưa ông, báo cáo của Quỹ phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chỉ ra rằng quy mô của các tổng công ty ở Việt Nam cũng chỉ ở mức bình thường.

Đúng thế. Nghiên cứu này nói trong 200 tổng công ty, công ty lớn nhất Việt Nam cũng chỉ nằm ở cỡ vừa, thậm chí cỡ nhỏ tầm quốc tế. Đấy là điều đáng buồn.

Xin ông cho biết những đặc điểm của “cái gọi là tập đoàn” ở Việt Nam hiện nay.

Như tôi nói, tập đoàn là một nhóm công ty về một lĩnh vực nào đó như dầu khí, dệt may, đóng tàu… nói chung, đó là những công ty có vốn và doanh thu tương đối lớn.

Ông đánh giá thế nào về tác động, ảnh hưởng của những “tập đoàn” này trong nền kinh tế hiện nay?

Trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, có quy luật xác suất, tức là 20% tạo ra 80% giá trị và ngược lại. Vai trò của các công ty lớn trong nền kinh tế rất quan trọng. Việc hình thành những công ty lớn là cần thiết, càng lớn thì họ càng tiết kiệm, hiệu quả càng cao... vấn đề là tạo điều kiện cho nó thôi.

Trân trọng cám ơn ông.

Chưa thấy Dầu khí hay Điện lực đấu thầu dành dự án quốc tế

“Mong muốn của Nhà nước khi quyết định hành thành các tập đoàn là trông đợi Việt Nam có những doanh nghiệp lớn, kinh doanh hiệu quả, phát triển mạnh là những “quả đấm thép” cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài, các công ty đa quốc gia…

Bản thân các tập đoàn Việt Nam đâu đã có tên tuổi nào cạnh tranh ngang ngửa với doanh nghiệp các nước trong khu vực, chứ chưa nói đến thế giới. Dầu khí hay Điện lực có dự án đầu tư ra nước ngoài nhưng chủ yếu nhưng chủ yếu là những nơi Việt Nam có quan hệ chính trị tốt chứ đấu thầu giành dự án quốc tế thì chưa có ai cả”.

(Trích nội dung trả lời báo giới của bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp)

Việt Dũng (thực hiện)