Tập đoàn An Việt Phát được trao 2 chứng nhận đầu tư mới
(Dân trí) - Tập đoàn An Việt Phát vừa được trao chứng nhận đầu tư cho Nhà máy viên nén gỗ xuất khẩu tại tỉnh Hà Giang và Nhà máy chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa - xuất khẩu tại tỉnh Tuyên Quang.
Tại hội nghị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Lào Cai, Tập đoàn An Việt Phát được trao 2 giấy chứng nhận đầu tư mới. Cụ thể, doanh nghiệp được chấp thuận đầu tư dự án Nhà máy viên nén gỗ xuất khẩu tại tỉnh Hà Giang và Nhà máy chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa - xuất khẩu tại tỉnh Tuyên Quang.
Ông Bùi Tuấn Anh - Tổng giám đốc Tập đoàn An Việt Phát - đã có những trao đổi xung quanh sự kiện này.
Tập đoàn An Việt Phát vừa được trao 2 giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án tại Hà Giang và Tuyên Quang. Ngoài 2 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, An Việt Phát có nhà máy nào đã và đang triển khai đi vào hoạt động?
- Chúng tôi đã xây dựng và đưa vào hoạt động hơn 10 nhà máy và kho hàng tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TPHCM, Bình Định, Kontum, Quảng Ninh, Hà Tĩnh và Phú Thọ. Cùng với 2 dự án vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chúng tôi đang triển khai xây dựng thêm nhiều nhà máy tại các tỉnh Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Kontum.
Đối với các nhà máy tại vùng Trung du và các tỉnh Bắc Bộ, An Việt Phát đã chuẩn bị cho vùng nguyên liệu như thế nào?
- Từ năm 2018, chúng tôi đã triển khai hợp tác, liên kết với bà con tại các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Rừng Quốc tế (FSC/PEFC). Mục tiêu từ nay đến năm 2030, An Việt Phát sẽ đạt được 420.000 ha rừng trồng có chứng chỉ trồng và quản lý rừng bền vững FSC/PEFC tại Việt Nam. Và theo đó là chuỗi hành trình sản phẩm FSC-CoC và PEFC-CoC.
Đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp và sản xuất sản phẩm từ lâm nghiệp là khá vất vả, tại sao ông lại lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực này?
- Trong bối cảnh toàn thế giới đang chung tay bảo vệ môi trường, tìm nhiều nguồn năng lượng sạch tái tạo để thay thế cho nguyên liệu hóa thạch. Ban lãnh đạo An Việt Phát suy nghĩ chúng ta phải làm gì để hợp tác cùng bà con trồng rừng đưa được sản phẩm lâm nghiệp của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Từ suy nghĩ đó, chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng một hệ sinh thái trồng rừng, viên nén gỗ, dăm gỗ, gỗ cưa xẻ sấy, đồ gỗ nội thất, nông sản, giấy, thùng caton và logistics.
Bắt đầu từ một cơ sở sản xuất nhỏ, chúng tôi đã có 8 năm xây dựng và phát triển với bao khó khăn từ sản xuất đến làm thế nào để có thể trực tiếp xuất khẩu. Qua khá nhiều khó khăn, chúng tôi đã triển khai hệ thống đồng bộ với trên 20 nhà máy, cơ sở sản xuất, kho bãi và hơn 40 văn phòng đại diện, chi nhánh cùng gần 2.000 nhân sự trên cả nước.
Khách hàng quốc tế của An Việt Phát là những đơn vị nào?
- Thị trường của chúng tôi chủ yếu là các tập đoàn từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. An Việt Phát đã trở thành nhà xuất khẩu viên nén gỗ hàng đầu châu Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Đối tác chiến lược, tiêu biểu của An Việt Phát đều là các tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Hyundai, Mitsui, Itochu, APP, APRIL, Hokuetsu, Hansol…