Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung:

Tạo đột phá bằng việc đẩy mạnh hạ tầng giao thông

(Dân trí) - Để đẩy nhanh sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thì phải chọn khâu đột phá để giải quyết bài toán phát triển của cả vùng. Đó là hạ tầng giao thông mà cụ thể là cảng biển, sân bay…

Đó là ý kiến mà hầu hết các đại biểu và lãnh đạo các tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đều nhất trí đưa ra tại buổi hội thảo “Xúc tiến đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” vừa được tổ chức tại TP Hội An.

Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có nhiều lợi thế nổi trội để thu hút đầu tư và phát triển. Do đó, vùng cần đẩy mạnh xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông…nhằm tạo điều kiện thuận lợi nối liền không gian kinh tế, giảm thời gian và chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Để thúc đẩy các trung tâm công nghiệp, du lịch trong vùng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Chính phủ cũng đã đẩy mạnh đầu tư một số cơ sở hạ tầng trọng yếu như: Đường bộ được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III (2 làn xe), một số đoạn qua đô thị lớn được mở rộng từ 4-6 làn xe, phê duyệt các tuyến đường cao tốc trong đó tuyến Quảng Trị - Đà Nẵng dài 178km, tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 131km, Quảng Ngãi - Quy Nhơn dài 150km.

Tuy nhiên, trước tiên sẽ ưu tiên sớm hoàn thành tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi để hỗ trợ phát triển khu vực này.

Ngoài ra, tuyến đường ven biển đến năm 2020 sẽ được triển khai xây dựng toàn tuyến. Bên cạnh đó, các tuyến đường ngang cũng được quy hoạch nâng cấp và xây mới để tạo nên mạng lưới giao thông thông suốt và kết nối miền Trung với các vùng trọng điểm khác.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng cũng cho biết: hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang gấp rút hoàn thiện quy hoạch giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2010.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm các tỉnh thành Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đây là vùng có một vị trí chiến lược quan trọng, nằm ngay trên trục giao thông Bắc – Nam, là cửa ngõ ra biển của khu vực Tây Nguyên và các nước tiểu vùng sông Mêkông.

Vùng được kết nối bởi chuỗi đô thị lớn Đà Nẵng, Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn với nhiều công trình hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay, viễn thông... đang được đẩy mạnh đầu tư nâng cấp và hoàn thiện.

Bên cạnh đó, vùng có hệ thống cảng biển gồm Chân Mây (Thừa Thiên – Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Dung Quất (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định) là ưu thế phát triển kinh tế dịch vụ cảng, trung chuyển quốc tế, thủy sản…

Đi đôi với lợi thế đó, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Chính phủ phê duyệt xây dựng các khu kinh tế lớn ven biển, tạo ra động lực phát triển mới, thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ xung quanh các khu kinh tế.

Công Bính - Huy Thạch