Tạo cơ chế để doanh nghiệp nhỏ vay tín chấp: Tại sao không?

(Dân trí) - Việc chưa có nhiều nguồn vốn khiến các doanh nghiệp nhỏ phải mang hết tài sản ra thế chấp vay vốn để duy trì hoạt động. Điều này gây nên tâm lý lo lắng, làm cho các doanh nghiệp thiếu tự tin, không dám thay đổi, đột phá để phát triển.

Ưu tiên về tín chấp

Chia sẻ tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp vừa được tổ chức tại TPHCM, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang rất băn khoăn trong việc sử dụng tín dụng.

Nhóm doanh nghiệp này hầu hết đều không có nguồn lực tài chính vững mạnh. Để được vay vốn, họ phải mang hết tài sản ra thế chấp. Như thế cũng có nghĩa rằng, họ phải mang luôn tương lai của cả… gia đình ra để thế chấp. Trong khi đó, việc này lại gây nên tâm lý lo lắng cho các doanh nghiệp, khiến họ không dám thay đổi, đột phá để phát triển.

Tạo cơ chế để doanh nghiệp nhỏ vay tín chấp: Tại sao không? - 1
Tạo cơ chế để doanh nghiệp nhỏ vay tín chấp: Tại sao không?

Ông Anh bày tỏ mong muốn các ngân hàng cần có “phương án mở” để hỗ trợ DNNVV phát triển. Chẳng hạn như, các ngân hàng cần tính tới việc “thoáng” hơn trong cho vay đối với các DNNVV.

Cụ thể, ngân hàng có thể xem xét cho vay bằng cách đánh giá “tiềm lực” của họ qua những dự án, dòng tiền, thương hiệu, thị trường và vị trí của họ ở trên mỗi ngành nghề, chứ không nên chỉ đưa ra mức cho vay bằng cách định giá tài sản thế chấp. Hay nói khác hơn, tín chấp là một trong những điều cần ưu tiên cho DNNVV.

“Chúng ta hãy tạo một cơ chế thoáng hơn. Tôi nghĩ tín chấp là một trong những điều cần ưu tiên cho DNNVV”, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nói.

Lý giải về việc cần hỗ trợ như thế cho DNNVV, ông Anh cho rằng, khi hoạt động thì xác suất rủi ro đến với nhóm doanh nghiệp này không cao, doanh số không lớn, về thủ tục hành chính thì họ cũng rất là hiếm. Cho nên, ngân hàng cần xem xét hỗ trợ về mặt này đối với DNNVV để họ được giải ngân nhanh nhất, kịp thời.

Chưa hết, ông Trần Việt Anh cũng mong muốn các ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng tư nhân cũng như Ngân hàng Nhà nước nên ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất, nhất là những doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm truyền thống không thể thay thế bằng phương thức sản xuất công nghệ hiện đại.

Sẽ xem xét hoàn thiện cơ chế

Cũng liên quan tới vấn đề tín chấp trong cho vay, ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần cơ khí thương mại Đại Dũng cho rằng, hiện việc vay thế chấp của doanh nghiệp tại ngân hàng yêu cầu rất nhiều tài sản đảm bảo.

Một số bất cập khác theo ông Hậu là việc ngân hàng định giá tài sản thế chấp thấp hơn so với giá thị trường. Thêm vào đó, quyền thuê đất của doanh nghiệp trong khu công nghiệp trong vài chục năm có giá trị nhưng không được tính là tài sản thế chấp.

Đại diện công ty Đại Dũng cũng nêu một số vướng mắc khác khi nhận tín dụng từ ngân hàng như nguồn vốn tài trợ có chi phí thuê vốn rất cao, có ngân hàng áp dụng đến 8,9%/năm cho gói vay ngắn hạn 6 tháng; việc bảo mật thông tin của khách hàng như nợ quá hạn, tổng dư nợ làm thông tin khó kiểm định khi ký hợp đồng mua bán với khách hàng; việc tăng hạn mức lớn rất khó.

Tạo cơ chế để doanh nghiệp nhỏ vay tín chấp: Tại sao không? - 2
DNNVV đang thiếu tự tin trong việc sử dụng tín dụng bởi muốn vay vốn họ phải mang cả “tương lai gia đình” ra để thế chấp.

Trước những ý kiến của đại diện nhiều đơn vị như trên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cam kết ghi nhận toàn bộ kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội.

Theo ông Tú, các vấn đề được nêu lên thuộc về hai nhóm chính liên quan cơ chế, chính sách và mối quan hệ giữa doanh nghiệp - ngân hàng. Riêng đối với những vấn đề thuộc nhóm đầu tiên sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét thỏa đáng để hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Còn đối với quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng, ông Tú khẳng định đây là mối quan hệ bình đẳng, cộng sinh. Nếu ngân hàng không minh bạch về lãi suất, biểu phí, hỗ trợ giải ngân chậm, doanh nghiệp có thể chọn tổ chức tín dụng khác. Ngược lại, các ngân hàng cũng có quyền chọn doanh nghiệp làm ăn tốt, có dự án hiệu quả để cho vay.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục chính sách điều hành đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2019.

"Lãi suất tiếp tục ổn định, không tăng từ đây tới cuối năm. Tỷ giá cũng sẽ tiếp tục được điều hành ổn định, không có chuyện phá giá hay mở rộng biên độ", ông Tú khẳng định.

 Công Quang

Tạo cơ chế để doanh nghiệp nhỏ vay tín chấp: Tại sao không? - 3