Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Giảm ngắn hạn song sẽ nhanh được vực dậy
(Dân trí) - Theo chuyên gia kinh tế, tăng trưởng của Việt Nam có thể giảm trong ngắn hạn do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn có động lực tăng trưởng cao trong năm tới, giai đoạn tới.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống 4,8% với lý do ảnh hưởng của dịch bệnh. Dù thế, định chế tài chính quốc tế này cho biết tăng trưởng của Việt Nam sẽ hồi phục dựa vào khả năng dập dịch, nền kinh tế hướng mở và năng động.
Về dài hạn, theo WB, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam từ năm 2022 trở đi có thể về ngưỡng từ 6,5% đến 7%/năm. Dự báo này dựa trên giả định Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh và tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV/2021.
Những điểm sáng
Thực tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dù chịu tác động cục bộ của dịch bệnh nhưng các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế vẫn khá ổn định.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước vẫn tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 210.800 tỷ đồng, bằng 44,3% kế hoạch năm và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước
Kim ngạch xuất khẩu hết ngày 15/8 đạt hơn 197,7 tỷ USD, tăng hơn 37,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, ước tăng khoảng 23,3%. Nhập khẩu ước đạt 201 tỷ USD, tăng hơn 50 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng cả xuất, nhập khẩu của Việt Nam cho thấy tiềm năng, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn tích cực bất chấp đại dịch đang tác động lớn vào các trung tâm công nghiệp, đầu não kinh tế cả nước.
Về vốn đầu tư nước ngoài, theo số liệu báo cáo của của Tổng cục Thống kê, hết 7 tháng, vốn đăng ký FDI vào Việt Nam có suy giảm hơn 11,1%, ước đạt hơn 16,7 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn thực hiện (giải ngân) FDI tại Việt Nam trong 7 tháng qua lại tăng gần 4% so với cùng kỳ 2020, đạt 10,5 tỷ USD.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp Việt, 7 tháng đầu năm theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dịch bệnh khiến hơn 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, phá sản, trong đó số phá sản là hơn 11.400 doanh nghiệp. Chỉ số này cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp do dịch bệnh mang lại ngày càng lớn và thách thức.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước và số hơn 29.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cho thấy nỗ lực vực dậy của khu vực doanh nghiệp là rất lớn.
Giải pháp
Theo GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy Viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, tăng trưởng trong giai đoạn dịch bệnh cần nhân tố của khu vực doanh nghiệp tư nhân, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh.
"Chính vì vậy, cần chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh là giảm các chi phí đóng bảo hiểm, chi phí hưu trí, tổ chức đoàn, hội", GS Cường nói.
Ông cho rằng, để giữ vững tăng trưởng và trợ giúp doanh nghiệp thì cần gói chính sách lãi suất ưu đãi để đảm bảo nuôi sống doanh nghiệp, lao động trước đại dịch.
Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn chung, doanh thu, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng mạnh là bất hợp lý. Ngành ngân hàng cần phải hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, nuôi sống họ để cùng thắng.
"Biện pháp cấp bách hiện nay là phải giảm lãi suất, duy trì dư nợ cho vay khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn hơn và giảm bớt điều kiện ràng buộc về vốn cho doanh nghiệp này để họ vượt qua dịch. Ngân hàng cần đồng hành với khó khăn doanh nghiệp hơn nữa", TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.