Tăng thuế xuất khẩu thép, xi măng, gỗ: Doanh nghiệp gặp khó?
Trước thông tin Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) vừa có văn bản đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng thép, xi măng và đồ gỗ xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ gây khó cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xin ý kiến Thủ tướng tăng thuế xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ lên tối đa 20% vì hiện nay đang có tình trạng Trung Quốc thu gom mạnh một số loại như gỗ cao su, gỗ tràm từ Việt Nam.
Theo đó, thuế xuất khẩu tà vẹt đường sắt hoặc đường xe điện bằng gỗ được đề xuất sẽ tăng từ 5% lên 20%, do trong năm 2010 lượng xuất khẩu tăng tới 300%.
Mặc dù, đến ngày 2/6 vẫn chưa nhận được văn bản đề nghị ý kiến góp ý từ Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Điệp, Chánh văn phòng Hiệp hội Xi măng Việt Nam khẳng định, việc xuất khẩu xi măng chỉ là giải pháp tình thế. Xi măng có khối lượng lớn nên cước vận tải chiếm khá nhiều. Hiệu quả của việc xuất khẩu không cao, tiêu hao nhiều năng lượng và tài nguyên của đất nước.
Các doanh nghiệp cũng chưa có nhiều kinh nghiệp trong việc xuất khẩu. Hạ tầng bến bãi phục vụ cho việc xuất khẩu này tại Việt Nam lại đang có rất nhiều bất cập.
Nhưng để đảm bảo cho nguồn cung xi măng cho thị trường những năm tiếp theo khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ thì hàng năm sản lượng của toàn ngành vẫn phải tăng.
Ngành xi măng cũng có đặc thù riêng không giống như nhiều ngành sản xuất khác, nếu sản xuất non tải, dưới công suất thiết kế sẽ gây lãng phí rất lớn. Do vậy, có những thời điểm cung sẽ vượt cầu doanh nghiệp phải xuất khẩu để tháo gỡ bớt khó khăn.
Năm 2010, theo ước tính lượng xi măng dư thừa từ 1,5 - 2,5 triệu tấn. Trước tình hình này, Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương còn phải có văn bản đề nghị ba công ty xi măng Nghi Sơn, ChinFon Hải Phòng và Phúc Sơn tìm kiếm thị trường để xuất khẩu.
Với mặt hàng thép, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thì đề xuất tăng thuế nêu trên có thể xuất phát từ việc cơ quan thuế cho rằng ngành thép đang được hưởng lợi khi xuất khẩu do giá điện của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhưng trên thực tế, trong sản xuất thép, điện chỉ chiếm khoảng 5% trong chi phí giá thành.
Hiện nay công suất lắp đặt của toàn ngành thép đã đạt trên 9 triệu tấn. Trong khi tiêu thụ trong nước vào năm 2010 cũng mới chỉ ở mức 5,6 triệu tấn. “Với sản lượng dư thừa doanh nghiệp có thị trường để xuất khẩu là điều cần khuyến khích chứ không nên tăng thuế đã hạn chế việc này. Điều đó sẽ “bóp nghẹt” doanh nghiệp”, ông Nghi nói.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng có cùng quan điểm doanh nghiệp sẽ găp khó khăn nếu thuế xuất khẩu được điều chỉnh tăng.
Theo Y Nhung
VnEconomy