Tăng thuế để giảm đầu cơ BĐS là không đúng

(Dân trí) - Thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2008 liệu có "sốt" không khi mà chính sách cho phép người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam và áp dụng tăng thuế BĐS để giảm đầu cơ đang được các cơ quan chức năng và chính phủ xem xét?

Báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đức Đôi - phó vụ trưởng vụ đăng ký và thống kê, Bộ Tài nguyên - Môi trường xung quanh vấn đề trên.

Theo ông, vì sao xảy ra cơn "sốt" đất trong năm 2007 vừa qua?

Thứ nhất là khi chúng ta ra nhập WTO thì luồng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều. Khi đó, nhu cầu nhà ở, văn phòng của người nước ngoài cũng tăng theo.

Thứ hai, sự tích lũy cũng như kinh tế phát triển cũng làm nhiều người dân Việt Nam có khả năng mua nhà. Bên cạnh đó, chúng ta có một số chính sách cởi mở hơn trong việc cho phép người ngoại tỉnh nhập hộ khẩu vào các thành phố lớn dễ hơn. Nó cũng là một trong những điều kiện thúc đẩy nhiều người có nhu cầu mua nhà hơn.

Có người liên tưởng rằng, cơn "sốt" năm 2007 giống như đã xảy ra hồi năm 2002?

Cơn "sốt" đất năm 2007 về bản chất khác hẳn năm 2002. Sau khi xảy ra cơn "sốt" năm 2002 thì luật đất đai 2003 có hiệu lực.

Nhưng trước một số chính sách mới của luật đất đai 2003 đã làm đóng băng thị trường BĐS. Hậu quả là từ năm 2003, 2004, hầu như tất cả các dự án đều chậm triển khai.

Lẽ ra, trong thời gian thị trường đóng băng đó, Chính phủ phải tìm cách tháo gỡ cho các nhà đầu tư. Nhưng thay bằng việc tìm các giải pháp, đưa thị trường BĐS đang dở dang phát triển thì chúng ta lại tìm cách xem đâu là nguyên nhân chậm chễ rồi thu hồi lại. Tôi cho rằng, biện pháp thu hồi không phải là giải pháp tốt nhất.

Nhưng cơn "sốt" năm 2007 chưa có dấu hiệu dừng. Theo ông, giải pháp nào để kiềm chế được giá đất tăng?

Thực chất trong năm 2007, "sốt" đất chủ yếu xảy ra ở hai đô thị lớn là Hà Nội, TPHCM nhưng chỉ chủ yếu "sốt" đối với những loại nhà biệt thự, chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê. Còn những căn hộ bình thường thì không tăng nhiều lắm.

Điều đó cho thấy, tác động của nhà nước đối với thị trường trên là rất yếu kém trong thời gian vừa qua. Cụ thể là trong mấy năm vừa rồi Hà Nội chỉ phê duyệt được hơn hai chục dự án nhưng chỉ có 4 dự án được đưa vào triển khai. TPHCM cũng chỉ triển khai được 6/25 dự án được phê duyệt. Như vậy thì làm sao chúng ta bảo đảm đầu cung tăng lên.

Ông dự báo xu hướng trong năm 2008 sẽ là như thế nào?

Vừa qua, Bộ TNMT cũng đã có đề xuất với Chính phủ một số giải pháp, trong đó phải hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là ở TPHCM, Hà Nội để tăng đầu cung.

Đồng thời, muốn giảm sức ép cho Hà Nội, TPHCM phải quy hoạch khu vực lân cận có điều kiện tương tự như Hà Nội. Ví dụ như Hà Tây, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... đặc biệt là trong việc xây dựng nhà ở cần phải chú ý các hạ tầng khác đó là trường học, bệnh viện, dịch vụ thương mại...

Vấn đề thứ hai là cần xem xét đến chính sách tài chính về đất đai vì thực tế chính sách này chưa ổn. Chúng ta vẫn coi đất đai quản lý theo hành chính mà không dùng công cụ kinh tế để quản lý và thực sự chưa dùng nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế bền vững.

Theo ông, giá đất mới ban hành của các UBND tỉnh sẽ có tác động như thế nào tới thị trường BĐS?

Thực chất đối với giá đất ban hành hàng năm, bản thân tôi cũng thấy rất phân vân. Theo kinh nghiệm ở các nước, giá đất do nhà nước xác định để làm công cụ điều tiết chính sách tài chính về đất đai thì thường chênh lệch với giá thị trường tại thời điểm nhất định khoảng 25%.

Vì vậy, việc công bố giá hàng năm của ta cần phải xem xét lại, nếu không dễ dẫn đến chủ nghĩa hình thức mà đôi lúc là còn làm xáo động đến thị trường BĐS.

Hiện nay đang có tình trạng nhiều ngân hàng cho vay để mua nhà với lãi suất cao. Ông có nghĩ việc này sẽ làm giá đất bị sốt thêm và ảnh hưởng đến nền kinh tế?

Tôi không nghĩ điều này là xấu và cũng là nguyên nhân đẩy giá đất thêm cao. Vì như tôi đã nói ở trên, "sốt" đất chỉ chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM còn nơi khác không tăng hơn bao nhiêu mà đây là do sức ép thực sự về nhu cầu nhà ở.

Chúng ta không giải quyết được cán cân cung cầu cũng như cơ chế xin - cho, cơ chế hai giá thì sẽ vẫn xảy ra tình trạng sốt đất. Cơ chế hai giá mà tôi muốn nói ở đây xảy ra đối nhà đầu tư áp dụng ở các khu đô thị. Và khi còn cơ chế hai giá thì những "cơn sốt" trong BĐS là có.

Trong khi cung đang thiếu mà Chính phủ lại đang xem xét đến việc cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Điều đó càng khiến giá đất trong năm 2008 có nguy cơ bị đẩy lên cao?

Khi muốn thu hút các nhà đầu tư từ nước ngoài thì cần phải tạo cơ hội cho họ có được cuộc sống ổn định và việc cho phép người nước ngoài mua nhà là điều cần thiết.

Nếu chúng ta đầu tư sang Singapo, Úc... sẽ đều có quyền mua nhà. Ra nhập WTO, chúng ta phải chấp nhận một quy định chung theo thông lệ quốc tế.

Hiện nay, nhiều người cho rằng cần phải áp dụng chính sách đánh thuế để tránh xảy ra tình trạng đầu cơ đất. Ông có ủng hộ việc này không?

Theo tôi, chính sách tăng thuế không phải là một giải pháp tốt và khoa học. Thuế đánh theo gia tăng của những người có thu nhập cao để bù lại chứ không phải chúng ta gia tăng đồng loạt.

Muốn khuyến khích người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính thì mức thu lệ phí phải càng giảm thấp, phù hợp với đồng lương. Nếu áp giá cao, nhiều người không có khả năng sẽ tính đến việc trốn thuế.

Nói tóm lại chúng ta cần phải xây dựng một chính sách đồng bộ về đất đai mới có thể phát triển được một thị trường BĐS lành mạnh.

Xin cám ơn ông!

Lan Hương