Tăng sở hữu chéo tại các ngân hàng tái cấu trúc?
(Dân trí) - Việc tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém đã giúp hệ thống ổn định hơn và tránh đổ vỡ nhưng theo đánh giá của TS.Nguyễn Xuân Thành, quá trình này đã làm tăng sở hữu chéo tại các ngân hàng sau khi tái cơ cấu.
(ảnh: AH).
Ông đánh giá thế nào về tiến trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém thời gian qua?
Trong vòng hai năm qua, nỗ lực tái cấu trúc ngân hàng mà chúng ta thảo luận và thực hiện đều tập trung vào tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém. Cụ thể là tái cấu trúc 9 ngân hàng yếu kém trong danh sách của Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Cho đến nay theo báo cáo thì đã có 8 ngân hàng đã được tái cấu trúc.
Nếu nhìn vào đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, thì một trong các nội dung rất quan trọng được đề ra là, tái cấu trúc không chỉ là giải quyết khó khăn trước mắt, mà là làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, áp dụng hệ thống quản trị mới, cũng như thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là khắc phục vấn đề sở hữu chéo.
Nhìn vào thực tế hiện nay, sức ép ngắn hạn cao hơn nhiều dài hạn. Đó là trong thời điểm 2011, các ngân hàng yếu kém này mất thanh khoản rất nghiêm trọng, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải hỗ trợ. Nhưng trước mắt vẫn là đòi hỏi kiếm được nhà đầu tư bên ngoài để có thể thay đổi cấu trúc vốn, đảm bảo các ngân hàng này lành mạnh hóa lại.
Vấn đề là khi tìm được nhà đầu tư bên ngoài, nhưng các giới hạn sở hữu không cho phép tìm được các nhà đầu tư thực sự để thay thế cổ đông hiện hữu trước đây đã lũng đoạn, gây nên tình trạng yếu kém của các ngân hàng này. Yêu cầu trước mắt là ít nhất phải để các ngân hàng này có cổ đông lớn, có thể được hợp nhất, có thể được sáp nhập. Rõ ràng kết quả bước đầu là những ngân hàng này đã được cải thiện, rủi ro đã được cải thiện.
Trong bài phát biểu, ông có nhấn mạnh tới việc sử dụng biện pháp khuyến khích ngược “dùng sở hữu chéo để xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém”?
Nếu so sánh trước khi tái cấu trúc và sau khi tái cấu trúc có thể thấy, ở những ngân hàng được hợp nhất, thì cơ cấu sở hữu không thay đổi. Các nhóm cổ đông, các doanh nghiệp phi tài chính tại các ngân hàng sau tái cấu trúc vẫn tiếp tục nắm quyền kiểm soát. Trường hợp nữa là một số ngân hàng yếu kém có nhóm cổ đông mới. Nếu nhóm cổ đông đó góp tiền thật để cải thiện tính thanh khoản cho ngân hàng này thì lại vượt quá giới hạn cho phép.
Do vậy, để không vượt quá giới hạn cho phép, họ phải tham gia dưới nhiều nhóm khác nhau, thông qua nhiều nhóm cổ đông khác nhau, nhưng các tổ chức này thực chất vẫn có liên quan. Như vậy, một cấu trúc sở hữu chéo cũ lại được thay thế bằng một cấu trúc sở hữu chéo mới.
Ông có thể chứng minh nhận định của mình qua một vài ví dụ cụ thể?
Đầu tiên là sự hợp nhất ba ngân hàng thành một ngân hàng. Qua quá trình tái cấu trúc, nợ xấu đã giảm, tính thanh khoản cải thiện, nhưng các nhóm cổ đông cũ vẫn còn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có tiền mới, có cổ đông mới, nhưng cổ đông nước ngoài cũng có quan hệ khăng khít với cổ đông cũ. Và như vậy, sở hữu chéo vẫn còn.
Ví dụ, Ngân hàng xây dựng Việt Nam, tại sao đổi tên như vậy, thì đứng đằng sau là một tập đoàn xây dựng, một nhóm cổ đông bất động sản. Điều này cho thấy, một ngân hàng trước đây yếu kém do sở hữu chéo và bây giờ sở hữu chéo còn phức tạp hơn một cách công khai.
Hay như sự kiện Ngân hàng Phương Tây, sáp nhập với Công ty Tài chính Dầu khí, theo nguyên tắc khi tái cơ cấu thì các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn khỏi hệ thống ngân hàng. Nhưng riêng trường hợp này, động thái trước mắt là giảm nguy cơ đổ vỡ mà vẫn không phải dùng tiền ngân sách cứu các ngân hàng này và như vậy cũng không phải thay đổi mạnh mẽ cơ cấu cổ đông. Nếu ngân hàng sau hợp nhất này có thay đổi thì cơ cấu tổ chức cũng không khác nhiều về mặt sở hữu hai chiều và đa chiều.
Như vậy, nhìn vào các tình huống cụ thể để giải quyết 8 ngân hàng yếu kém vừa rồi là dùng sở hữu chéo để tái cấu trúc. Việc này cho phép không phải dùng tiền ngân sách, ngân hàng thì có nguồn lực mới để xử lý nợ xấu, trả lại được các khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Theo như ông nói thì, việc dùng sở hữu chéo để tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém sẽ để lại hệ lụy lâu dài?
Tại sao nợ xấu lại tăng nhanh, tại sao các ngân hàng lại yếu kém? Theo tôi, một trong những nguyên nhân là do sở hữu chéo. Đó là do các nhóm, nhà đầu tư, sở hữu ngân hàng, đồng thời sở hữu các công ty phi tài chính của mình và dùng khả năng kiểm soát ngân hàng, để cho phép công ty phi tài chính của chính mình vay mà không theo các chuẩn mực cho vay.
Theo đánh giá của tôi, để tái cấu trúc thành công phải đi liền với khắc phục sở hữu chéo. Nhưng trước mắt chưa thể khắc phục ngay tình trạng sở hữu chéo và như vậy nó chỉ lành mạnh hóa được trong ngắn hạn, rủi ro tiềm ẩn vẫn còn đó. Gánh nặng với cơ quan quản lý Nhà nước cũng rất lớn, vì phải giám sát, dùng bộ máy lớn, thì mới giám sát được sở hữu chéo hiện nay.
Sắp tới vẫn phải có hướng ưu tiên lưu ý đặc biệt đến sở hữu chéo, phải cần những nhà cổ đông mới thực sự, có nguồn lực thực sự, để thay thế nhóm cổ đông cũ. Các cổ đông mới là nhà đầu tư của ngân hàng nhưng không có doanh nghiệp sân sau. Không phải tôi sở hữu ngân hàng và ngân hàng lại cho doanh nghiệp của tôi vay. Và một điểm nữa là phải thay đổi việc không dùng nguồn lực thực để tái cấu trúc ngân hàng.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hiền