Tăng quyền cho Bộ Tài chính trong lĩnh vực thuế

Kể từ đầu 2006, Bộ Tài chính có toàn quyền ban hành các quy định liên quan đến mức thuế suất thuế nhập khẩu hằng năm của VN để thực hiện Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) trong ASEAN.

Đó là nội dung công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về quyền ban hành các quy định đối với các chính sách thuế theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Nếu như trước đây, Bộ Tài chính có vai trò tư vấn và chỉ được phép ban hành các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực thuế, còn các quyết định về chính sách, nghị định hướng dẫn... đều do Chính phủ phê duyệt, thì nay công việc này thuộc quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Chính phủ chỉ có vai trò giám sát và chỉ đạo các công việc chung.

Theo Bộ Tài chính, thực hiện theo cam kết CEPT của các nước ASEAN, thời gian qua, VN đã liên tục cắt giảm nhiều loại thuế khác nhau. Do vậy, việc tăng thêm quyền hạn này sẽ giúp cơ quan này chủ động hơn trong việc đưa ra các chính sách.

Lộ trình giảm thuế của VN được ASEAN quy định: Trong thời gian 3 năm (2004-2006), các mặt hàng nông sản nhạy cảm phải được đưa vào thực hiện giảm thuế và chỉ còn ở mức 0-5% vào năm 2013 (riêng đường là năm 2020). Trong đó, mỗi bước cắt giảm không được thấp hơn 10% và mỗi mức thuế chỉ được tối đa 3 năm.

Đến nay đã có trên 10.200 mặt hàng được áp dụng thuế suất nhập khẩu 0-5%, chiếm hơn 96% trong tổng số gần 10.700 mặt hàng có trong danh mục biểu thuế xuất khẩu của VN. Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát và để đưa 4% mặt hàng còn lại vào trong kế hoạch cắt giảm. Các mức thuế mới sẽ được công bố trong một vài tuần tới.

Song song với việc cắt giảm thuế, Bộ Tài chính cũng liên tục mở các lớp đào tạo và hướng dẫn nghiệp vụ về thuế cho các doanh nghiệp. Theo Phó vụ trưởng Vụ chính sách Thuế Nguyễn Văn Phụng, những buổi tập huấn giúp các doanh nghiệp hiểu được loại thuế nào sẽ được cắt giảm và trong quá trình đàm phán thỏa thuận, VN cam kết thực hiện những gì.

Theo VnExpress