Tăng mức xử phạt vi phạm về giá

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đang gấp rút bổ sung vào văn bản các hành vi vi phạm về giá, sửa đổi mức chế tài như tăng tiền phạt, rút giấy phép kinh doanh đối với những sai phạm nghiêm trọng.

Tăng mức xử phạt vi phạm về giá - 1
Doanh nghiệp Việt Nam tùy tiện tăng giá có thể bị tước giấy phép kinh doanh.
 
Có thể rút giấy phép kinh doanh

 

Xin ông cho biết, tình hình kiểm tra giá cả các mặt hàng thiết yếu sau khi tỷ giá, giá điện, xăng được điều chỉnh?

 

Hiện nay Thanh tra Bộ đang cử 14 đoàn đi kiểm tra các đơn vị sản xuất kinh doanh các mặt hàng như thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi và các địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cước vận tải. Thanh tra sẽ tập trung vào các mặt hàng vừa qua chịu tác động trực tiếp từ việc điều chỉnh giá điện và giá xăng dầu. Đánh giá mức độ tác động tỷ giá đến giá vốn nhập khẩu là bao nhiêu, xác định chính xác chi phí đầu vào tránh để tình trạng doanh nghiệp (DN) nào cũng kêu tỷ giá điều chỉnh nên phải điều chỉnh giá bán.

 

Được biết, năm 2010 Cục và Thanh tra Bộ đã thành lập đoàn kiểm tra về giá, có DN nào bị xử phạt không?

 

Năm ngoái, qua kiểm tra cũng phát hiện các DN có sai phạm, nhưng không xử phạt nặng được do chế tài chưa đầy đủ, còn nhẹ. Có nhiều chi phí DN hạch toán vô lý nhưng luật không có chế tài buộc DN phải giảm giá. Chỉ phạt cảnh cáo và phạt tiền.

 

Hiện Bộ đã có Thông tư 22 để xác định cụ thể chi phí nào của DN là hợp lý?

 

Đúng vậy, với Thông tư 22, nếu DN không hạch toán đúng chi phí sẽ bị thu khoản này vào ngân sách nhà nước, đồng thời phải giảm giá theo chi phí mà DN hạch toán không đúng. Ngoài ra, hiện đã có quy chế kết hợp với hải quan - cục giá - các bộ nên có thể tham chiếu giá lẫn nhau, căn cứ giá nhập để tính giá vốn đầu vào, trên cơ sở đó đối chiếu giá bán trong nước nên việc kiểm soát thuận lợi hơn.

 

Ông có nói rằng chế tài xử phạt hiện quá nhẹ, Bộ tính toán sửa đổi nâng mức chế tài nên như thế nào?

 

Bộ Tài chính cùng các bộ khác đang gấp rút hoàn thành sửa đổi Nghị định 169 xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá, trình Chính phủ ban hành. Mức chế tài sẽ được nâng lên, nhiều hành vi mới xuất hiện sẽ được bổ sung.

 

Cụ thể, sẽ nâng mức chế tài xử phạt đăng ký giá (quy định cũ 200.000 đồng). Mức xử phạt cao nhất theo Nghị định xử phạt hành chính của Chính phủ là 40 triệu đồng. Trong biên độ cho phép này, sẽ nâng các mức phạt về kê khai, đăng ký, niêm yết giá...

 

Ngoài ra, nếu trước kia đơn giản chỉ có phạt cảnh cáo rồi phạt tiền, tới đây sẽ có chế tài bổ sung như rút giấy phép kinh doanh; nặng hơn nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ chuyển qua cơ quan công an.

 

Giá hàng bình ổn “quá cứng”

 

Vừa qua một số mặt hàng bình ổn có đề nghị được tăng giá, vì sao vậy thưa ông?

 

Do một số nơi DN cam kết bình ổn với mức giá quá cứng, không theo được thị trường vì đầu vào liên tục tăng. Trong tháng 3, DN cam kết ổn định giá, nhưng thời điểm này tỷ giá điều chỉnh tác động ngay đến giá bán.

 

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả mặt hàng bình ổn giá?

 

Hàng bình ổn giá góp phần kiềm chế tăng giá, ổn định thị trường giá cả. Tuy nhiên cách làm còn nhiều hạn chế. Thứ nhất, điểm bán hàng bình ổn tập trung ở nơi ít dân cư, ít người tiêu dùng. Trong khi đó, bên cạnh chợ truyền thống, nơi người dân phải mua hàng hóa thiết yếu không có nhiều. Thứ hai, quá trình triển khai chưa kịp thời. Một số địa phương như TP.HCM làm suốt năm, có địa phương chỉ gần tết mới tiến hành. Thủ tục từ khi ký hợp đồng, quyết định giải ngân, chuyển hàng từ nơi đầu nguồn về nơi bình ổn còn độ trễ nhất định.  

 

Theo Anh Vũ

Báo Thanh Niên