1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tăng lương gây sức ép nặng nề lên ngân sách Nhà nước

(Dân trí) - Mặc dù cho biết luôn mong muốn người lao động được hưởng lương cao, nhưng người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đánh giá, áp lực tăng lương đang gây sức ép lên ngân sách nhà nước cũng như làm giảm sức hút đầu tư và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hơn một nửa ngân sách chi thường xuyên là chi cho lương.
Hơn một nửa ngân sách chi thường xuyên là chi cho lương.

Trao đổi tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều 29/9/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, vấn đề tiền lương đã được đưa ra bàn bạc riêng tại một hội nghị Trung ương. 

Theo Bộ trưởng, tiền lương được chia làm hai phần: Một phần là lương công chức, viên chức, người có công, các đối tượng cần trợ giúp... và một phần là lương tại doanh nghiệp, ở đây bàn đến lương chi trả tại các doanh nghiệp.

Bộ trưởng cho biết, hiện tại, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang trình phương án điều chỉnh lương của doanh nghiệp. 

Cụ thể, theo dự thảo Nghị định trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2014 áp dụng đối với người lao động tại khối doanh nghiệp mà Bộ LĐTBXH đưa ra thì mức lương tối thiểu sẽ tăng từ 250.000 - 400.000 đồng. Trong đó, lương vùng I-III tăng 17% so với năm 2013 và lương vùng IV tăng 15% so với năm 2013.

Theo dự thảo này, lương chỉ trả của doanh nghiệp hoạt động tại vùng I sẽ tăng từ 2,35 triệu đồng/tháng lên 2,75 triệu đồng/tháng, vùng II từ 2,1 triệu đồng lên 2,45 triệu đồng/tháng, vùng III từ 1,8 triệu đồng lên 2,1 triệu đồng/tháng và vùng IV từ 1,65 triệu đồng lên 1,9 triệu đồng/tháng. 

Người phát ngôn Chính phủ đánh giá, "vấn đề lương của doanh nghiệp luôn có hai mặt và bao giờ chúng ta cũng muốn người lao động hưởng lương cao nhưng nếu cao quá thì sức hút đầu tư sẽ giảm đi" do mức lương thấp chính là một trong những lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài thường được đề cập đến của Việt Nam. Vì vậy, Bộ trưởng cho biết, việc điều chỉnh lương phải đảm bảo được tính cân đối, hài hòa.

Hiện tại, đề xuất nâng lương tối thiểu của các Bộ, ngành và Tổng Liên đoàn lao động dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế 5-6%, lạm phát khoảng 7%, cộng với đà phát triển thêm khoảng 2-3%.

Bộ trưởng cũng nói thêm, áp lực tăng lương tạo sức ép rất lớn lên ngân sách Nhà nước. "Các bạn hình dung nếu ngân sách thu 100 đồng thì phần dành cho trả nợ, nói số tròn, khoảng 15%; một phần dành cho đầu tư phát triển. Trước đây mình đầu tư nhiều, thậm chí lên đến 40%, nhưng gần đây đã giảm xuống, năm ngoái còn khoảng 20%, cộng lại là  35%"

Trong 65% còn lại dùng cho chi thường xuyên, Bộ trưởng cho biết, khoảng một nửa là chi cho lương, cho công chức, viên chức, những người chưa phải là công chức nhưng hưởng các định suất lương ở địa phương, chi cho người có công...

Cụ thể, chi lương công chức, viên chức từ cấp huyện trở lên chiếm 9%, cho đội ngũ sự nghiệp (giáo viên, y tế) trên 35%, chi cho lực lượng vũ trang khoảng 25% còn lại là người có công, đối tượng là cán bộ xã, cán bộ không phải là biên chế nhưng được hưởng định suất lương khoảng 6,5%.

Về sức ép tăng lương ở các doanh nghiệp, Bộ trưởng cũng đánh giá, doanh nghiệp cần cân đối bởi nếu tăng lương cao quá thì sẽ không còn sức cạnh tranh.

 Bích Diệp