Tăng kịch trần thuế môi trường xăng dầu: Kiến nghị "né" Tết Nguyên Đán

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị, cần cân nhắc về thời điểm thực hiện việc triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng, trong đó có xăng dầu.

Thuế môi trường với xăng dầu và nhiều mặt hàng sẽ tăng kịch khung từ đầu năm 2019.
Thuế môi trường với xăng dầu và nhiều mặt hàng sẽ tăng kịch khung từ đầu năm 2019.

Tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá sáng 28/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mức thuế này sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít đối với xăng… có hiệu lực từ 1/1/2019.

Tuy nhiên, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng thời điểm này sẽ rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng sẽ làm tăng giá xăng dầu lên cao, tác động tới việc kiểm soát CPI của năm 2019 và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Ông Hải kiến nghị, cần cân nhắc về thời điểm thực hiện việc triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với chỉ tiêu về CPI năm 2019 là 4%, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng dự báo với khả năng tăng giá hàng hóa (điện, xăng dầu…) ngay từ đầu năm 2019 và diễn biến Cuộc chiến Thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang… thì chỉ tiêu này cần phải cân nhắc khi đề xuất, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để đảm bảo tính khả thi.

Trong khi đó, đại diện Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính cho biết, thuế môi trường dành cho xăng E5 tăng tới kịch trần nhưng chỉ ở mức 3.850 đồng/lít (không ở mức 4.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường/lít như các loại xăng khác).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang thực hiện hướng dẫn việc hoàn lại 2% thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng E5 RON92 (dự kiến khoảng 700 tỷ đồng) cho các doanh nghiệp nhâp khẩu, khuyến khích việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ loại xăng sinh học này.

Chỉ đạo tạo phiên họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, nhất là vào mùa rét, sử dụng Quỹ bình ổn giá một cách phù hợp trên cơ sở Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI nói chung.

Đồng thời, sớm nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng sinh học E5, phấn đấu tăng tỷ trọng sử dụng nhiên liệu sinh học so với tổng lượng cung xăng dầu ra thị trường, đáp ứng hai mục tiêu bảo vệ môi trường và giảm mặt bằng giá xăng dầu. Trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến và tỷ giá tăng cao, có thể sử dụng Quỹ bình ổn giá và ngừng trích lập quỹ

Như tin đưa trước đó, hôm 20/9 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Theo đó, thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên 4.000 đồng, tăng 1.000 đồng/lít so với hiện nay. Dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng/lít từ đầu năm 2019, tăng 700 đồng so với hiện nay. Ngoài ra, thuế môi trường với dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu mazut cũng tăng lên 2.000 đồng/lít, từ mức 900 đồng hiện hành.

Để "trấn an" rằng thuế tăng thì giá xăng dầu vẫn thấp hơn nhiều nước, Bộ Tài chính viện dẫn cả giá bán lẻ xăng dầu và tỷ lệ thuế trên giá bán xăng dầu đều thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực ASEAN và châu Á.

Theo Bộ Tài chính, giá bán lẻ xăng của Việt Nam (ngày 10/9/2018) đang ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, trong ASEAN và châu Á, như thấp hơn Lào là 5.318 đồng/lít, thấp hơn Philippines là 4.177 đồng/lít, thấp hơn Campuchia là 1.773 đồng/lít, thấp hơn Trung Quốc là 1.499 đồng/lít, thấp hơn Thái Lan là 1.145 đồng/lít.

Bộ Tài chính cũng cho hay, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam (vào ngày 10/9/2018) khoảng 35,6% đang ở mức thấp so với nhiều nước, như Hàn Quốc khoảng 63%, Campuchia khoảng 49%, Lào khoảng 56,5%, Philippines khoảng 49,5%, Trung Quốc khoảng 52%, Singapore khoảng 67%, Hồng Kông khoảng 76%.

Ngoài ra, cơ quan này cho biết, việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chỉ tác động đến chỉ số giá vận tải khoảng 0,83% trong 3 tháng sau khi tăng giá các mặt hàng. Đối với sản xuất điện, kinh doanh kính, gốm cơ bản không tác động.

Phương Dung