1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tăng giá điện trên 10% mới phải báo cáo Thủ tướng

(Dân trí) - EVN được nới quyền tăng giá điện dưới 7%. Trong trường hợp tăng từ 7-10% thì phải được Cục Điều tiết điện lực (thuộc Bộ Công Thương) xem xét, chấp thuận.

EVN được nới quyền tăng giá điện dưới 7%.
 
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 12/2014/TT-BCT quy định phương pháp lập, trình tự xây dựng và thẩm định mức giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; giá bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán cho Tổng công ty Điện lực. Thông tư có hiệu lực từ 10/5/2014.

 

Theo đó, giá bán điện bình quân được tính toán căn cứ vào kết quả kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất, kinh doanh điện hàng năm, tình hình sản xuất kinh doanh điện, kế hoạch vận hành hệ thống điện được Bộ Công Thương phê duyệt hàng năm và các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh điện chưa tính vào giá bán điện hiện hành được phép thu hồi (nếu có).

 

Bên cạnh đó, Thông tư này còn nhấn mạnh tới trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc rà soát và điều chỉnh giá bán điện.

 

Cụ thể, Cục Điều tiết điện lực (thuộc Bộ Công Thương) xem xét, chấp thuận phương pháp điều chỉnh giá bán điện đối với trường hợp giá bạn điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 7% - dưới 10% so với giá bình quân hiện hành và trong khung giá quy định. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiến hành điều chỉnh ở mức tương ứng.

 

Trong trường hợp cần điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện hiện hành hoặc ngoài phạm vi khung giá quy định, Cục Điều tiết điện lực phải xem xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định (sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính).

 

Như vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được phép tự quyết tăng giá điện bán lẻ bình quân tới 7%, cao hơn so với biên độ 5% trước đây. Theo quy định trước đó, trường hợp EVN muốn tăng trên 5% đã phải báo cáo Bộ Công Thương để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

 

Tuy nhiên, hiện Thông tư không quy định cụ thể giá điện cơ sở thấp hơn giá bán lẻ bao nhiêu sẽ phải yêu cầu EVN giảm giá. Thông tư chỉ yêu cầu: "Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng và báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đối với trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định".

 

Thông tư cũng không quy định cụ thể thời gian tối thiểu giữa hai lần tăng giá điện. Tuy nhiên, theo Quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi lần điều chỉnh giá điện phải cách nhau tối thiểu 6 tháng thay vì 3 tháng như hiện nay.

 

Năm 2013, giá điện chỉ tăng 1 lần với mức tăng 5% kể từ 1/8. Mức giá bình quân hiện nay là 1.508,85 đồng/kWh. Trong những lần tăng vừa qua, mức điều chỉnh đều như nhau là 5%.

 

Mới đây, Thủ tướng cũng ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) giai đoạn 2013- 2015, theo đó giá sàn điện sẽ là 1.437 đồng và giá trần 1.835 đồng một kWh, tức trong tương lai giá điện bình quân có thể tăng tối đa gần 22%, trong khi biên độ giảm giá chỉ khoảng 5%.

 

Phương Dung

 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm