Tăng giá điện: Cú sốc giá trên đỉnh lạm phát 18%
Lạm phát cả năm 2011 dự báo khoảng 18%, đây là một mức rất cao và khi tất cả đang lo lắng một cái tết eo hẹp trong đắt đỏ và một năm 2012 nhiều khó khăn thì tăng giá điện thực sự là một cú sốc.
Theo đó, giá bán điện bình quân là 1.304 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 62 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân hiện hành được duyệt (1.242 đồng/kWh).
EVN cho biết, việc tăng giá điện lần này đã nhận được sự chấp thuận của Bộ Công Thương. Theo EVN, việc điều chỉnh giá bán điện hiện tại là cần thiết để giá điện đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế, bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá bán điện.
Với số lỗ năm 2010 lên tới 8.400 tỷ đồng và lỗ lỹ kế tính đến nay là 35.000 tỷ đồng thì việc tăng giá để bù đắp thua lỗ là việc cần thiết nhằm duy trì hoạt động của ngành điện.
Tuy nhiên thời điểm lựa chọn tăng giá điện lần này lại đang làm nhiều người lo ngại. Nhiều người dân đã tin tưởng rằng từ nay đến Tết nguyên đán sẽ không có chuyện tăng giá xăng, giá điện như lời của một vị Bộ trưởng, thì nay đúng lúc năm hết Tết đến giá điện lại bất ngờ tăng.
Thực tế, sau nhiều sự kiện đánh động, việc tăng giá điện đã được nhiều người dự báo sẽ đến nhưng không ngờ nó lại đến sớm thế. Và nhất là tăng vào thời điểm tăng giá cuối năm. Mặc dù về kỹ thuật, tác động tăng giá sẽ được tính vào năm 2012 nhưng hậu quả cuối cùng là DN và người dân vẫn phải gánh chịu, chi phí sẽ đắt đỏ hơn, đời sống người dân và kinh tế sẽ có nhiều khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý giá ( Bộ Tài chính) cho biết giá điện tăng 5% tác động trực tiếp đến chỉ số giá (CPI) không lớn bởi điện chỉ chiếm 3% trong tổng CPI, còn tác động gián tiếp thì cần phải có tính toán cụ thể. Giá điện sẽ chui vào giá sản phẩm và sản phẩm sản xuất ra có tiêu thụ được trên thị trường hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng giá điện tăng dù chỉ 1% cũng sẽ ảnh hưởng tới việc kiềm chế lạm phát và đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Giá điện tăng sẽ tác động dây chuyền khiến cho giá cả nhiều mặt hàng tăng.
Nhận được thông tin tăng giá điện, các DN bắt đầu lo ngại. Giá điện tăng sẽ làm cho giá thành sản phẩm tăng và giảm lợi nhuận giảm.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN cho biết, việc tăng giá điện 5% không ảnh hưởng đến các DN thép nhiều. Các DN thép thời gian qua đã đầu tư nhiều công nghệ hiện đại giúp cho tiêu hao điện giảm mạnh. Hiện giá điện chỉ chiếm 7% trong lĩnh vực luyện phôi và 1% trong các lĩnh vực sản xuất thép khác.
Tuy nhiên theo ông Cường, chi phí sử dụng điện tăng lên trực tiếp các DN thép có thể chủ động kiểm soát được, điều lo ngại là hiệu ứng tăng giá cộng hưởng từ phía các nhà cung ứng nguyên vật liệu đầu vào sẽ gây trở ngại không nhỏ cho việc kiểm soát chi phí của DN.
"Chúng tôi chỉ lo các nhà cung ứng dựa vào điện tăng giá để nâng giá nguyên vật liệu đầu vào thì các DN thép khó kiểm soát nổi", ông Cường nói.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cho biết giá điện tăng 5% sẽ làm cho chi phí sản xuất phân bón tăng từ 1%- 1,5%. Nhưng đó mới chỉ tính được chi phí trực tiếp do giá điện tăng mà DN phân bón tiêu thụ điện phải trả thêm, còn chưa thể tính được các tác động gián tiếp như các nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào có tăng giá lên không và tăng bao nhiêu. Đây mới là tác động quan trọng và khó lường làm cho nhiều DN bị động.
Theo các DN xi măng, giá điện tăng 5% sẽ làm cho chi phí sản xuất xi măng tăng từ 1,5%- 2%. Vào đầu tháng 3 năm nay giá điện tăng trên 15% đã làm cho giá thành sản xuất xi măng tăng gần 10%. Bên cạnh đó, lãi suất vay ngân hàng năm nay cũng tăng cao trong khi thị trường bất động sản đang trầm lắng, đã làm cho ngành xi măng gặp khó khăn, tiêu thụ giảm. Nay giá điện lại tăng thêm 5% thì đương nhiên khó khăn sẽ tăng thêm cho các DN.
Các phân tích cho thấy, giá điện tăng 5% sẽ chỉ tác động làm CPI tăng trực tiếp về mặt lý thuyết ở mức thấp, song nếu tính tác động đến các vòng tiếp theo và cả các yếu tố tâm lý thì tỷ lệ tăng chung lên CPI cao hơn.
Đây là dịp gần Tết nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, nhiều sản phẩm luôn tiềm ẩn khả năng tăng giá lớn, nay giá điện tăng sẽ là cơ hội để những người kinh doanh trục lợi đẩy giá lên kiếm lời và gây tác động tiêu cực tới thị trường.
Ngoài ra khi EVN quyết định tăng giá điện cũng khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc. Nhiều người đặt câu hỏi tăng giá điện tăng liệu có đúng là chỉ để trả nợ, thua lỗ về chi phí sản xuất điện hay cho cả những lĩnh vực không liên quan đến điện mà EVN đầu tư bị thua lỗ như viễn thông, cũng như quản lý yếu kém dẫn tới thua lỗ?.
Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia về giá cả, nếu như theo các con số công bố trước đây giá điện sẽ phải tăng 10 - 15% trong năm 2012. Điều đó có nghĩa, 5% cuối năm 2011 chỉ là một bước đầu, một bước đi kỹ thuật về thời điểm để giảm sốc tâm lý mà thôi. Còn chắc chắn sau đây, trong năm 2012, giá điện sẽ còn những bước tăng tiếp theo. Điều có thể chắc chắn là mức tăng khó mà thấp hơn 2011.