TPHCM:

Tăng giá đầu nguồn, xi măng bớt… “nóng”

(Dân trí) - Được Bộ Xây dựng cho phép, các công ty sản xuất xi măng đồng loạt tăng giá bán đầu nguồn lên 130.000 đồng/tấn. Đón nhận tin này, thị trường xi măng TPHCM đã có những chuyển biến tích cực khi nguồn cung được cải thiện và giá cũng “nguội” dần.

Tăng giá để khuyến khích cung

Một trong những nguyên nhân dẫn tới cơn sốt giá xi măng hai tháng qua là doanh nghiệp kêu “lỗ” do chi phí sản xuất xi măng tăng mạnh mà giá xi măng tại các nhà máy đã được áp dụng quá lâu. Nhu cầu tăng mạnh mà các nhà máy lại không có động cơ tăng công suất khiến xi măng tại TPHCM khan hàng.

Trong khi đó, các nhà phân phối được cớ đẩy giá xi măng lên mức chưa từng có trước đây khiến giá mặt hàng này lên ào ào không kiểm soát. Quyết định của Bộ Xây dựng cho phép các nhà máy xi măng tăng giá nhằm tăng cường nguồn cung, giúp bình ổn thị trường.

Khởi đầu đợt tăng giá này là Công ty Xi măng Hà Tiên 1 tăng từ mức 1.070.000 đồng/tấn tăng lên 1.200.000 đồng/tấn (tăng 130.000 đồng/tấn).

Các hãng xi măng khác cũng điều chỉnh với mức giá tương tự. Cụ thể, xi măng Fico lên 1.215.000 đồng/tấn; xi măng Cẩm Phả 1.185.000 đồng/tấn, xi măng Lafarge 1.200.000 đồng/tấn; xi măng Holcim lên 1.230.000 đồng/tấn. Trong khi đó, xi măng Cotec cũng điều chỉnh giá tăng thêm 110.000 đồng/tấn, lên 1.185.000 đồng/tấn.

Sau khi có điều chỉnh trên, nguồn cung xi măng trên thị trường trở nên “dễ thở” hơn so với trước. Giá xi măng Hà Tiên và Holcim nhà phân phối cung ứng cho đại lý chỉ còn khoảng 73.000 - 74.000 đồng/bao 50kg. Theo đó, giá bán lẻ hai loại xi măng này chỉ còn khoảng 76.000 - 80.000 đồng/bao tùy từng đại lý.

Anh Cường, chủ đại lý vật liệu xây dựng Hoàng Cường ở quận Bình Thạnh, cho biết: “Từ mấy ngày nay, việc lấy xi măng trở nên dễ dàng hơn, đặt trước một ngày là hàng về ngay. Vì thế, kho của chúng tôi lúc nào cũng đầy xi măng dù mỗi ngày tiêu thụ khoảng 100 - 200 bao”.

Hàng miền Bắc còn vào nhiều

Ông Mai Anh Tài, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1, cho biết: “Trong tháng 5, Công ty đã nhận được từ miền Bắc khoảng 33.000 tấn xi măng, chủ yếu là xi măng Nghi Sơn, Hoàng Mai, Tam Điệp.

Dự kiến trong tháng 6, đơn vị này sẽ nhận thêm khoảng 30.000 tấn chi viện từ phía Bắc. Trong khi đó, nhà máy xi măng Hà Tiên vẫn giữ ổn định nguồn cung ra thị trường trên 7.000 tấn xi măng/ngày”.

Ông Tài lạc quan về khả năng bình ổn giá xi măng trong thời gian tới: “Đến cuối tháng 6, nguồn cung xi măng sẽ được đảm bảo và giá xi măng sẽ bình ổn dần”.

Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam thì, nguyên nhân cơn sốt giá xi măng vừa rồi là do khả năng cung - cầu trên thị trường “sát nhau” quá nên các đơn vị sản xuất không kịp trở tay. Thêm vào đó, người tiêu dùng có động cơ tích trữ xi măng do lo sợ tăng giá sau tháng 6 nên mới xảy ra cơn sốt vừa qua.

Trong tháng 5, lượng xi măng và clinker cung ứng từ phía Bắc vào Nam lên đến trên 200.000 tấn. Dự kiến trong tháng 6, Tổng công ty Xi măng vẫn tiếp tục đẩy mạnh “chi viện” nhằm cần bằng cung - cầu cho thị trường.

Ông Thiện cũng tin tưởng những biện pháp về giá của Bộ Xây dựng đưa ra sẽ giúp thị trường xi măng tại TPHCM ổn định trở lại.

Nguyên Tuấn