Tận thu từ giao dịch ATM

Đề xuất thu phí giao dịch ATM đã nhiều lần bị Ngân hàng Nhà nước bác bỏ.

Thế nhưng tại Hội nghị kinh doanh 2012 của Agribank mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã bật đèn xanh cho việc này khi tuyên bố, ngay sau khi thống nhất các máy ATM trên toàn quốc về chung một đầu mối sẽ tiến hành thu phí giao dịch.
 
Tận thu từ giao dịch ATM
(Ảnh minh họa)
 
Đủ loại phí...

Tính đến nay, số lượng thẻ ATM phát hành trên toàn quốc đã lên đến 40 triệu thẻ. Thẻ ATM được phát hành chủ yếu để chi lương cho người lao động ở các doanh nghiệp và các đơn vị hành chính sự nghiệp nên có thể nói rằng chủ thẻ ATM phần lớn là người dân có thu nhập không cao.

Có thể thấy rõ điều đó tại các điểm đặt máy ATM vào các ngày cao điểm trả lương tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều công nhân sợ rút tiền về nhà trọ bị mất và nhất là sợ bị trấn lột sau khi rút tiền nên thường chỉ rút một lượng tiền đủ chi dùng trong tuần. Số tiền 3.300 đồng hay 5.500 đồng mỗi lần giao dịch là không lớn với một số người, nhưng với công nhân nghèo con số đó nhân lên theo số lần giao dịch là đáng kể so với thu nhập ít ỏi, trong lúc mọi thứ vật giá đều tăng cao sẽ là những giọt nước tràn cái ly chịu đựng của người nghèo.

Còn nhớ sau khi có Chỉ thị 20 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các ngân hàng đã ra sức “ve vãn” các đơn vị mở tài khoản trả lương tại ngân hàng mình. Chỉ chưa đến năm năm, dù số lượng máy ATM cũng như chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với số lượng thẻ được mở nhưng Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cứ liên tục đánh tiếng về việc thu phí giao dịch. Trong khi đó, các ngân hàng đã âm thầm thu phí với nhiều tên gọi khác nhau như phí rút tiền ngoại mạng, phí chuyển tiền, thanh toán hàng hóa dịch vụ; rồi các loại phí đi kèm như phí quản lý tài khoản thẻ (phí thường niên), phí cấp mật mã, phí tra soát, phí trả thẻ bị nuốt...

Ngân hàng tận thu từ ATM

Có thể liệt kê các khoản phí các ngân hàng thu phổ biến từ chủ thẻ được đăng công khai trên các trang web của ngân hàng như phí phát hành thẻ lần đầu từ 50.000-90.000 đồng, phí phát hành lại thẻ từ 25.000-66.000 đồng, phí cấp lại mật mã từ 10.000-33.000 đồng), phí thường niên (phí quản lý tài khoản thẻ) từ 39.600-132.000 đồng, phí tra soát nếu không đúng từ 10.000-110.000 đồng, phí chuyển khoản từ 1.650 đồng đến 0,05% số tiền được chuyển, phí rút tiền khác hệ thống 3.300 đồng, phí truy vấn số dư hoặc in sao kê từ 550-1.650 đồng, trả thẻ bị giữ tại máy ATM từ 5.000-20.000 đồng... Cá biệt có ngân hàng còn thu 10.000 đồng phí báo mất thẻ hay thẻ bị đánh cắp (?).

Nhiều ngân hàng công bố mức lãi lớn sau một năm tài chính nhưng vẫn lớn tiếng phân bua rằng riêng với dịch vụ ATM họ bị lỗ nhiều. Thực sự các ngân hàng có bị lỗ với dịch vụ ATM không?

Chỉ riêng với con số phát hành được 40 triệu thẻ do lãnh đạo hội thẻ công bố, chỉ vài phút có thể tính được, phí phát hành (tối thiểu 50.000 đồng/thẻ) lên đến 2.000 tỉ đồng, phí thường niên (có ngân hàng gọi là phí quản lý tài khoản, tối thiểu 39.600 đồng/thẻ) tổng cộng là hơn 1.500 tỉ đồng.

Hai mức phí trên là của Vietcombank, ngân hàng có số lượng thẻ thực sự hoạt động cao nhất. Chỉ cộng riêng hai khoản thu ban đầu này, các ngân hàng đã thu về hơn 3.500 tỉ đồng. Còn muốn chính xác số dư tiền gửi tài khoản của tất cả thẻ ATM có lẽ cũng không khó lắm trong thời buổi công nghệ hiện đại này. Nếu không có lãi, đâu có chuyện đến bây giờ ngân hàng này vẫn tiếp tục “dụ” khách hàng mở thẻ ở ngân hàng khác về với ngân hàng mình làm gì???

Phí giao dịch ATM ai hưởng?

Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam vẫn rất mặn mà về việc thu phí giao dịch ATM. Có thể tham khảo biểu phí giao dịch qua Banknetvn (Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia) trên banknetvn.com.vn. Chỉ với phí rút tiền tại máy ATM của ngân hàng khác lâu nay vẫn thu là 3.300 đồng thì Banknetvn hưởng 50%, tổ chức thanh toán thẻ hưởng 50%. Nếu chỉ có một phần tư số thẻ ATM phát hành được rút tiền khác ngân hàng thôi và chỉ rút một lần mỗi tháng thì Banknetvn cũng đã thu về mỗi năm là 198 tỉ đồng, chưa tính phí truy vấn tin, in sao kê hay chuyển khoản là 1.650 đồng thì Banknetvn hưởng 550 đồng, tổ chức thanh toán thẻ hưởng 1.100 đồng.

Nếu việc thu phí rút tiền ATM nội mạng được áp dụng và tăng phí giao dịch khác ngân hàng, 40 triệu thẻ đều phải trả phí mỗi lần rút tiền thì con số Banknetvn được hưởng lên đến hơn 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Đó là con số ước tính, còn số thực thì chắc lúc ấy chỉ có Banknetvn và kiểm toán biết.

Trong thời buổi mà ngành ngành cấp cấp cố đặt ra bao nhiêu thứ phí để tận thu từ người dân thì phí giao dịch qua ATM - chủ yếu làm cho túi tiền của người lao động nghèo đã cạn kiệt lại càng cạn kiệt hơn nữa - cần phải cân nhắc, không khéo tính già hóa non khi người sử dụng thẻ buộc phải trả thẻ cho công ty và yêu cầu các chủ doanh nghiệp trả lương cho người lao động bằng tiền mặt như trước. Đó là chưa nói dù có thu phí thêm, chưa chắc chất lượng dịch vụ ATM đã tốt lên, khi mà đến 40 triệu thẻ mà chỉ trang bị 13.000 máy ATM, vị chi mỗi máy phải phục vụ hơn 307.000 thẻ. Nghe thật khó tin.

Vậy mới thấy cái cần nhất ở ngân hàng hiện nay chính là sự minh bạch.
 
Theo Dương Thế Nhân
Thời báo Kinh tế Sài Gòn