Tân Sơn Nhất quá tải: “Đốt” hàng trăm tỷ đồng vì bay chờ trên trời!

(Dân trí) - Nếu mỗi chuyến bay giảm được 5 phút thì sẽ tiết kiệm được 100 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nghịch lý hiện nay là mỗi chuyến bay đang phải tăng thời gian lên 15 phút do quá tải tại Tân Sơn Nhất, vì vậy chi phí “đội” lên sẽ tăng gấp 3 lần chi phí “tiết kiệm” được.

“Đốt” hàng trăm tỷ đồng vì bay chờ

Năm 2016, sự quá tải tại các sân bay, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM đã làm tăng giờ bay thực tế của Vietnam Airlines lên khoảng 1.392 giờ so với kế hoạch, đẩy chi phí khai thác của hãng này tăng thêm khoảng 188 tỷ đồng.

Sang năm 2017, tình trạng quá tải sân bay trở nên đáng lo ngại hơn khi nhà chức trách hàng không đã có dự kiến cuối năm sẽ tiến hành các đợt sửa chữa, nâng cấp tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất.

Với kế hoạch sửa chữa, nâng cấp cảng hàng không, giới hạn khai thác ở sân bay Nội Bài có thể sẽ giảm còn khoảng 70% so với hiện tại, tức là chỉ được tiếp nhận 22-24 chuyến bay/giờ thay vì tần suất 35 chuyến/giờ như hiện tại. Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất cũng giảm năng lực tiếp nhận 40-42 chuyến/giờ xuống còn 28-30 chuyến/giờ.

Lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2017, Vietnam Airlines và các hãng hàng không nội địa khác dự kiến phải giảm tối thiểu 15% tổng số chuyến bay đi/đến Tân Sơn Nhất trong giờ bay ban ngày.

Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải khiến cho chi phí khai thác tăng
Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải khiến cho chi phí khai thác tăng

Về phía Hãng hàng không Vietjet, tuy không nêu ra các con số thiệt hại cụ thể, những hãng này cũng đánh giá cơ sở hạ tầng tại sân bay và kiểm soát không lưu tại Việt Nam hiện đang còn những hạn chế.

Một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Vietjet là duy trì hiệu suất sử dụng máy bay hàng ngày cao, tạo thêm doanh thu từ máy bay, thời gian quay đầu tại sân bay càng ngắn thì hiệu quả khai thác càng cao và ngược lại.

Vì vậy, mọi sự chậm trễ trong việc nâng cao năng lực khai thác ở các sân bay có thể ảnh hưởng đến khả năng tối đa hóa hiệu suất sử dụng máy bay, tăng thời gian quay vòng máy bay và có thể ảnh hưởng bất lợi đến kết quả tài chính của hãng.

Trên thực tế, do tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều chuyến bay đến do chưa có vị trí đỗ, chưa có ống lồng và xe thang để di tản khách từ máy bay vào nhà ga nên phải thực hiện hành trình “bất đắc dĩ” là bay vòng trên trời, nhanh là 15-20 phút, nhưng cũng có thể tới cả tiếng đồng hồ.

“Nặng” phí… quá tải!

Trao đổi với PV Dân trí, một phi công cơ trưởng có 30 năm kinh nghiệm cho biết: Trong quá trình “nắn” thẳng đường bay, nếu giảm được 5 phút bay/chuyến thì mỗi năm sẽ tiết tiết kiệm được 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, nghịch lý hiện nay là mỗi chuyến bay đang phải tăng thời gian lên 15 phút do quá tải tại Tân Sơn Nhất, do đó chi phí “đội” lên sẽ tăng gấp 3 lần chi phí “tiết kiệm” được.

Đơn cử như đối với đường bay trục Hà Nội - TPHCM, thời gian bay trung bình là 1 tiếng 30 phút, nhưng do mất thời gian chờ trước khi khởi hành và bay chờ ở trên trời trước khi hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất đã kéo dài thời gian khai thác một chuyến bay lên 1 tiếng 45 phút hoặc 2 tiếng.

Máy bay phải bay chờ khiến cho hãng vận chuyển bị tăng chi phí đầu vào
Máy bay phải bay chờ khiến cho hãng vận chuyển bị tăng chi phí đầu vào

Theo tính toán, khi phải bay chờ trên trời, tùy loại máy bay mà chi phí vận hành sẽ tăng lên từ 8.000 - 12.000 USD/h, trong khi đó lượng dầu sẽ tiêu hao thêm khoảng 2-3 tấn dầu/chuyến bay. Trung bình, một máy bay mỗi ngày có lịch khai thác 4 chuyến nội địa, riêng Vietnam Airlines trong giai đoạn cao điểm khai thác 400 chuyến bay/ngày.

“Trước mỗi chuyến bay, cơ trưởng là người đưa ra những đánh giá về khả năng phải bay vòng chờ ở sân bay đến hoặc có thể phải chậm khởi hành, từ đó tính tới phương án bơm thêm dầu dự phòng. Nếu phải “đốt” thêm nhiên liệu đồng nghĩa với việc tăng chi phí đầu vào, nguồn thu có thể giảm…” - vị này cho hay.

Đại diện Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, đường bay trục Bắc - Nam của Việt Nam hiện là một trong những đường bay đông đúc nhất thế giới, đang được khai thác bởi 3 hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar Pacific.

Mỗi ngày cao điểm có gần 700 chuyến bay khai thác trên trục Bắc - Nam, riêng điểm đến sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam là Tân Sơn Nhất có sản lượng khách đã vượt tải 32 triệu lượt khách so với 25 triệu công suất thiết kế.

Từ cuối năm 2016, VATM đã áp dụng phương thức điều hành bay mới nhằm hỗ trợ tích cực ở trên trời, nhưng dưới mặt đất - năng lực tổng thể của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất được xác định thấp nhất và không có khả năng thông qua cao hơn mức 42 chuyến bay/giờ. Mức độ năng lực này chỉ có thể được cải thiện khi các biện pháp cải tạo, nâng cao năng lực hệ thống sân đỗ được triển khai thực hiện đồng bộ.

Châu Như Quỳnh