Tân Hiệp Phát đã làm gì với mảng bất động sản?

Kim Ngọc

(Dân trí) - Ông Trần Quí Thanh từng cho rằng bất động sản là ngành được quan tâm đặc biệt tại Tân Hiệp Phát. Sau đó, công ty đã gia tăng quỹ đất ở nhiều nơi, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu bằng hình thức đấu giá…

Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Quí Thanh - Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát và bà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát; khởi tố bị can bà Trần Ngọc Bích - Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát. Bà Phương và bà Bích đều là con gái ruột ông Thanh.

3 bị can đều bị điều tra về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", liên quan tới các đơn tố cáo về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là các dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại TPHCM, Đồng Nai.

Từng phát ngôn "bất động sản là ngành thú vị"

Là một đại gia trong ngành đồ uống nhưng năm 2018, ông Trần Quí Thanh gây bất ngờ với cương vị Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TPHCM. Trả lời báo chí thời điểm đó, ông Thanh cho biết mọi người, mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề đều liên quan tới bất động sản. Bất động sản cũng là ngành thú vị, nhất là trong giai đoạn đất nước đang phát triển, nhu cầu mở rộng thành phố, mở rộng kinh doanh rất lớn.

Nói đến vai trò của ngành này trong tập đoàn Tân Hiệp Phát, ông Thanh khẳng định "là ngành được quan tâm đặc biệt". Đồng thời, ông nhấn mạnh tập đoàn tham gia bất động sản không phải vì "nó đang lên, mà cảm thấy đang ở điểm rơi phù hợp với bản thân và thời cơ chín muồi để lấn sân sang mảng khác".

Theo chia sẻ của ông Thanh lúc bấy giờ, Tân Hiệp Phát sẽ dùng khoảng vài nghìn tỷ đồng để đầu tư cho lĩnh vực này. Tùy vào dự án mà công ty có thể đầu tư vốn, đóng vai trò là nhà phát triển dự án hoặc hợp tác đầu tư, quan trọng là có cơ hội. Tập đoàn sẽ không ưu tiên một phân khúc nào cả, chỉ cần có cơ hội mang lại lợi nhuận thì sẽ tham gia.

Tân Hiệp Phát đã làm gì với mảng bất động sản? - 1

Chiều 10/4, lực lượng chức năng có mặt tại Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát (Bình Dương) để khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Trần Quí Thanh - chủ tịch tập đoàn này (Ảnh: Hải Long).

Đồng thời, ông chủ tập đoàn nước giải khát có tiếng ở Việt Nam tuyên bố: "Nói Tân Hiệp Phát không có quỹ đất thì có vẻ hơi khiêm tốn. Tập đoàn hiện có một vài quỹ đất nho nhỏ, chỉ riêng 4 nhà máy đã có 160ha".

Sau giai đoạn đó, truyền thông ghi nhận Tân Hiệp Phát đã thành lập nhiều doanh nghiệp với số vốn điều lệ khoảng 20.000 tỷ đồng để tham gia vào mảng địa ốc. Quỹ đất tập đoàn được ghi nhận ở một số tỉnh, thành phố lớn như Đà Nẵng, TPHCM, Vũng Tàu.

Một số cuộc đấu giá có mặt Tân Hiệp Phát và những rà soát phía sau

Năm 2019-2020, Tân Hiệp Phát và các lãnh đạo tập đoàn đã thực hiện đấu giá và trúng đấu giá nhiều lô đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tháng 12/2019, Tập đoàn Tân Hiệp Phát trúng đấu giá quyền sử dụng khu đất gần 8ha tại khu An Hải, An Hội, huyện Côn Đảo với giá đấu 537,33 tỷ đồng (giá khởi điểm 537,1 tỷ đồng).

Năm 2020, ông Trần Quí Thanh trúng đấu giá một khu đất gần 2ha ở phường 10, ngay trung tâm TP Vũng Tàu với giá đấu 394 tỷ đồng, cao hơn khởi điểm gần 140 tỷ đồng. Bà Trần Ngọc Bích cũng trúng đấu giá 2 khu đất gần 3ha ở huyện Côn Đảo và huyện Đất Đỏ vào tháng 2 và tháng 3/2020.

Trong đó, khu đất thứ nhất bà Bích trúng đấu giá có diện tích 9.994,8m2 tại đường Bến Đầm, huyện Côn Đảo. Đất này là đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, tức đất thương mại dịch vụ. Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thông qua hình thức bán đấu giá quyền sử dụng đất.

Thời hạn cho thuê đất là 50 năm, kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Theo quy hoạch xây dựng, khu đất này được quy hoạch là công trình du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ du lịch; mật độ xây dựng 25%; tầng cao công trình là 3 tầng, chiều cao tối đa 14m. Bà Bích trúng đấu giá khu đất với giá 80,1 tỷ đồng.

Khu đất thứ hai có diện tích 20.040,1m2 tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ được công nhận trúng đấu giá tháng 3/2020, là đất thương mại - dịch vụ, Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê bằng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Thời hạn cho thuê đất là 50 năm, kể từ ngày UBND tỉnh ra quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Khu đất dự kiến xây dựng khu du lịch, nhà nghỉ theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được phê duyệt. Giá trúng đấu giá 170 tỷ đồng.

Sau đó, nhiều lần các cơ quan, ban ngành ra chỉ đạo ra soát kết quả đấu giá. Tháng 11/2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở ngành có liên quan rà soát, thẩm tra một số vấn đề liên quan đến kết quả đấu giá quyền sử dụng khu đất gần 8 ha tại khu An Hải, An Hội, huyện Côn Đảo (do Tập đoàn Tân Hiệp Phát trúng đấu giá).

Tháng 10/2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết nhận được văn bản của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan 2 khu đất đấu giá tại huyện Côn Đảo và huyện Đất Đỏ (do bà Bích trúng đấu giá). Tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài chính, UBND huyện Đất Đỏ và UBND huyện Côn Đảo rà soát, cung cấp tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra.

Tân Hiệp Phát đã làm gì với mảng bất động sản? - 2

Ông Trần Quí Thanh và 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích (Ảnh: IT).

Những kiện cáo liên quan tới bất động sản

Trước khi bị bắt tạm giam, cha con ông Trần Quí Thanh cũng vướng các tố cáo liên quan tới bất động sản. Tháng 10/2020, ông Lê Văn Lâm - người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển Kim Oanh Ðồng Nai - tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng 2 con gái có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, cưỡng đoạt tài sản thông qua chuyển nhượng dự án, cổ phần doanh nghiệp. Các ký kết giữa hai bên là hợp đồng giả cách (các bên thực hiện nhằm che giấu đi một hợp đồng khác), bản chất là việc vay mượn tiền. Theo đơn tố cáo này, Công ty Kim Oanh Đồng Nai bị thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng.

Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở ngành giữ nguyên hiện trạng pháp lý; tạm dừng các biến động tài sản (mua bán, tặng cho, thế chấp cổ phần, quyền sử dụng đất...) với Công ty Minh Thành Đồng Nai (thuộc công ty Kim Oanh) tại dự án khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước, huyện Long Thành. Khu đất này được phía ông Lâm cho là tài sản đã bị chiếm đoạt.

Đến tháng 3/2021, vụ án này được khởi tố hình sự liên quan tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng tháng 11/2022, Cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản này để chờ kết quả giám định.

Một vụ việc khác vào tháng 11/2020, ông Nguyễn Văn Chung - Tổng giám đốc Công ty TNHH Đo đạc, tư vấn, thiết kế, xây dựng DCB - có gửi đơn tố cáo bà Trần Uyên Phương cùng một cá nhân và một văn phòng công chứng ở TPHCM đã cấu kết, lừa đảo chiếm đoạt 2 khu đất của ông Chung tại TPHCM. Ông Chung tố cáo các cá nhân này đã dùng thủ đoạn cho vay tiền rồi bắt lập hợp đồng giả cách chuyển nhượng rồi biến giả thành thật.

Tuy nhiên sau đó, cơ quan công an xác định ông Chung đã có hành vi lập khống bản vẽ chi tiết và ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng một số lô đất tại quận Bình Tân để bán cho nhiều người. Lô đất này không thuộc quyền sở hữu của ông Chung hay Công ty DCB. Công an xác định ông Chung đã ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng với 8 người, chiếm đoạt 16 tỷ đồng. Do đó, ông Chung bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lừa đảo".

(tổng hợp)