Tân chủ tịch EVN và những khó khăn ở phía trước
Để hoàn thành nhiệm vụ, trở thành nhà quản lý EVN thành công trước một “gia sản” khá lùng nhùng, yếu kém của tập đoàn này và trước những yêu cầu, sức ép lớn từ Chính phủ, từ dư luận xã hội, con đường phía trước của ông Hoàng Quốc Vượng xem ra còn quá nhiều đèo dốc...
Ông Vượng sẽ không kiêm nhiệm mà thôi chức thứ trưởng để tập trung cho công việc mới tại EVN, không giống như một số thứ trưởng trước đây thường kiêm nhiệm làm chủ tịch HĐTV ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Chiếc ghế chủ tịch HĐTV của EVN đã bỏ trống khá lâu, kể từ ngày 3/2/2012, khi Thủ tướng ký quyết định cho thôi chức ông Đào Văn Hưng và điều về bộ Công thương chờ phân công công tác mới sau khi ông này cùng một số lãnh đạo EVN bị kiểm điểm vì liên quan đến công ty Viễn thông điện lực (EVN Telecom) bị thua lỗ nặng nề, phải sáp nhập vào tập đoàn Viettel. Công việc chủ tịch HĐTV của EVN từ đó đến nay vẫn do ông Phạm Lê Thanh, tổng giám đốc EVN kiêm nhiệm.
Đang làm thứ trưởng một bộ, được phân công về làm chủ tịch một tập đoàn, dù lớn như EVN, vào lúc này, xem ra không phải là điều đáng vui mừng. EVN hiện đang đương đầu với rất nhiều khó khăn lớn không dễ giải quyết. Đó là xử lý khoản lỗ luỹ kế lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng (do chênh lệch tỷ giá, do có một số thời điểm phải dùng dầu chạy điện do phụ tải tăng quá mạnh, do kinh doanh thua lỗ ở EVN Telecom…); tình trạng lưới điện truyền tải, phân phối nhiều nơi quá cũ nát, gây tổn thất điện năng cao (hiện nay trên 10%) rồi quy hoạch hệ thống nhà máy điện, nhất là hệ thống thuỷ điện, các nhà máy thuỷ điện quy mô nhỏ hiện đang rất lộn xộn; nhu cầu đầu tư, phát triển nguồn điện trong thời gian tới đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lên đến hàng tỉ USD mỗi năm trong khi việc vay vốn ngân hàng đang trở nên rất khó khăn (nợ cũ tồn đọng nhiều); sức ép phải điều chỉnh giá điện rất lớn nhưng để tăng được một đồng giá điện không hề đơn giản v.v.
Một điều đáng nói nữa là khi còn giữ chức vụ thứ trưởng bộ Công thương, ông Vượng là người chấp bút viết bản cơ chế tài chính cho các dự án điện nhưng đến nay, khi phải qua EVN làm chủ tịch HĐTV, bản đề án đó vẫn chưa xong. Khi không còn trách nhiệm quyết định nội dung, cơ chế cho các dự án của ngành nữa thì chắc gì người mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án điện của EVN – mà ông nay là người phải trực tiếp thực hiện – như trước đây ông có thể làm?
Ở những vấn đề cụ thể khác, như xử lý thế nào với nhà máy thuỷ điện sông Tranh 2 cũng là một thách thức không nhỏ. Công trình này ngay từ khi chuẩn bị đầu tư, việc khảo sát địa chất, chuẩn bị dự án cho đến quyết định đầu tư, đặt nhà máy điện ở vị trí hiện nay đã có nhiều điều tiếng, chẳng hạn như ý kiến của nhiều nhà khoa học khẳng định đây là một sai lầm lớn và thời gian tới, nếu tiếp tục tích nước và vận hành có thể tăng thêm nguy cơ xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Là chủ tịch HĐTV mới của EVN, ông Hoàng Quốc Vượng sẽ phải đứng trước lựa chọn không đơn giản: dừng hay tiếp tục vận hành nhà máy. Nếu tiếp tục cho vận hành, liệu ông có gánh nổi trách nhiệm nếu chẳng may có sự cố nghiêm trọng xảy ra? Ngay cả vụ xử lý kỷ luật ông Đào Văn Hưng, cựu chủ tịch EVN và một số người trong ban lãnh đạo EVN do liên quan đến việc điều hành kém cỏi ở EVN Telecom, mà cho đến nay vẫn chưa có quyết định xử lý cuối cùng, với vị tân chủ tịch HĐTV EVN, cũng là vấn đề không dễ.
Để hoàn thành nhiệm vụ, trở thành nhà quản lý EVN thành công trước một “gia sản” khá lùng nhùng, yếu kém của tập đoàn này và trước những yêu cầu, sức ép lớn từ Chính phủ, từ dư luận xã hội, con đường phía trước của ông Hoàng Quốc Vượng xem ra còn quá nhiều đèo dốc...
Theo Mạnh Quân
SGTT