“Tân binh” làm bùng nổ thị trường chứng khoán
Trong một tuần giao dịch cực kỳ sôi động (VN-Index đã tăng lên mức 775,56 điểm), những “tân binh” lên sàn chứng khoán đã tạo sự ngạc nhiên lẫn khó hiểu khi được định giá ở mức chưa từng có. Tuy nhiên khó có thể gọi đây là kỷ lục vì mức này có thể bị phá vỡ vào tuần tới.
“Khát” cổ phiếu FPT, vì sao?
Một trong những diễn biến quan trọng nhất của tuần là sự góp mặt của cổ phiếu FPT. Với số vốn trên 608 tỉ đồng, FPT nằm trong nhóm những đơn vị niêm yết lớn nhất trên thị trường.
Tại phiên chào sàn ngày 13/12, FPT được xác định giá tham chiếu tới 400.000 đồng/cổ phiếu. Đây là một mức giá rất bất ngờ vì trước đó cổ phiếu này được chuyển nhượng trên thị trường OTC cũng chưa bao giờ “mơ” đến mức này.
Định giá theo phương pháp chiết khấu luồng cổ tức với các thông số giả định của đơn vị tư vấn (Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển): tốc độ tăng trưởng cổ tức trong 5 năm tới trung bình 29%/năm, mức lợi suất yêu cầu 17%, thì giá trị cổ phiếu FPT cũng chỉ được xác định khoảng 163.000 đồng/cổ phiếu.
Ngày trong phiên chào sàn, lượng cung FPT cũng tương đối lớn với trên 8,6 vạn cổ phiếu. Toàn bộ số này được tung ra với 29 lệnh, tức là bình quân xấp xỉ 3.000 cổ phiếu/lệnh. Trong khi đó lượng cầu thống kê lên tới 53,9 vạn cổ phiếu, tức là gấp hơn 6 lần cung nhưng khối lượng trung bình chỉ có hơn 800 cổ phiếu/lệnh.
Trong 2 phiên giao dịch sau đó, cung cầu FPT cũng chênh lệch nghiêm trọng và cổ phiếu này có hai phiên tăng trần lên mức 441.000 đồng ngày 15/12.
Có thể nguyên nhân dẫn đến tình trạng tranh mua cổ phiếu FPT là kỳ vọng vào việc trả cổ tức năm 2006 bằng cổ phiếu. Với mức giá rất cao như hiện tại, việc trả bằng cổ phiếu sẽ đem lại lợi nhuận đáng kể cho cổ đông.
Một yếu tố nữa tác động đến giá FPT là nguồn cung quá ít. Cơ cấu cổ đông của FPT hiện tại có tới xấp xỉ 74% trong tay Nhà nước và cổ đông nội bộ. Cổ đông bên ngoài nắm giữ khoảng hơn 26% nhưng thực tế cũng nằm chủ yếu trong tay nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan đến cổ đông nội bộ. Lượng cung 3 phiên giao dịch vừa qua tuy có tăng nhưng vẫn rất thấp so với cầu.
Không tính phiên chào sàn, lượng chào mua hai phiên khớp lệnh có biên độ đều cao từ 2-3 lần so với lượng chào bán. Việc chênh lệch quá lớn như vậy dễ dàng đẩy giá cổ phiếu tăng nóng. Ngoài ra, việc lưu ký cổ phiếu FPT cũng chưa có thông tin cụ thể càng làm trầm trọng thêm tình trạng này.
VN-Index liên tiếp lập kỷ lục
Tuần qua, mức tăng trưởng của thị trường đạt tốc độ chưa từng có. Với sự bứt phá các mức giá trần của hàng loạt cổ phiếu, chỉ số chứng khoán cuối tuần đã đạt 775,56 điểm. Đặc biệt trong 3 phiên cuối, VN-Index tăng trung bình xấp xỉ 20 điểm/phiên và cán cân giao dịch luôn nghiêng mạnh về phía cầu.
Yếu tố nước ngoài vẫn tạo sự phấn khích trên thị trường khi liên tiếp đổ tiền mua vào. Trung bình xấp xỉ 256 tỷ đồng đã được khối này rót vào thị trường mỗi phiên, cao hơn nhiều so với mức trung bình 88,7 tỷ đồng của tuần trước.
Điểm nổi bật của các giao dịch này là tăng cả lượng bán lẫn mua. Động thái hiện thực hóa lợi nhuận đang diễn ra mạnh khi mức giá hiện tại của nhóm blue-chips so với thời điểm điều chỉnh tháng 5 đã tăng vài trăm phần trăm. Các giao dịch mua lẫn bán đều thực hiện đáng kể với VSH, VNM, CII, GMD...
Diễn biến cung cầu trong tuần chưa cho thấy dấu hiệu điều chỉnh nào khi hàng loạt cổ phiếu dư mua trần với khối lượng cao kỷ lục như BBC (21,2 vạn), CII (49,5 vạn), DPC (26,5 vạn), FPT (53,3 vạn), KDC (12,8 vạn), MCV (16,7 vạn), PAC (27,7 vạn), PVD (68,6 vạn), VSH (73,3 vạn)…
Lượng chào mua 3 phiên cuối tuần - thời điểm VN-Index tăng mạnh nhất - luôn quanh mức trung bình 14 triệu chứng khoán (không tính trái phiếu) trong khi lượng cung chỉ khoảng 10 triệu chứng khoán. Sức nóng của nhóm đầu tàu ảnh hưởng dây truyền đến toàn thị trường khi số mã tăng giá chiếm đa số tuyệt đối.
Đã có một số điều chỉnh giảm trong phiên cuối tuần như VNM, DHA, AGF… nhưng chỉ số chứng khoán hiện được cân bằng bởi nhiều “ông lớn” khác, trong đó đáng kể là FPT. Hiện mức vốn hóa thị trường của FPT đã vượt qua cả VNM do giá liên tiếp đụng trần qua từng phiên.
Thị trường từ đầu tháng 11 đến nay đã chứng kiến sự tăng trưởng nhảy vọt chưa từng có. Chỉ số giá tăng tổng cộng xấp xỉ 262 điểm. Giá hàng loạt cổ phiếu tăng vượt mốc 100.000 đồng rất xa - mức giá mà một thời SJS đạt tới và được coi là sự kiện đáng chú ý của cả thị trường.
Hiện đã có khoảng 10 cổ phiếu đạt mức giá từ 100.000 đồng trở lên, trong đó dẫn đầu là SJS với mức 534.000 đồng/cổ phiếu. Xếp thứ hai là FPT với 441.000 đồng/cổ phiếu.
Xét theo chỉ số giá trên thu nhập (P/E), một số cổ phiếu có mức P/E khá cao như CII: 59,54; FPT: 55,96; GMD: 39,35; KDC: 54,71; VNM: 31,78; VSH: 76,39… Việc P/E cao như vậy thể hiện hoặc cổ phiếu đang được định giá cao hoặc nhà đầu tư kỳ vọng quá lớn vào khả năng sinh lời trong tương lai.
Theo Nguyễn Hoàng
VnEconomy