1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Tầm nhìn xa của “người đàn bà sữa tươi” Thái Hương

Cách đây vài tháng, khi nghe thông tin tập đoàn TH triển khai Dự án bò sữa ở vùng đất biên cương xa xôi Hà Giang, nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp bán nghi. Họ không thể tin được khi ở nơi tận cùng tổ quốc đầy lam sơn chướng khí có thể nuôi được bò sữa – vốn là động vật xứ lạnh được nuôi nấng cẩn thận ở những vùng thảo nguyên tươi xanh.

Khi những xẻng đất động thổ đầu tiên của Dự án được cắm xuống mảnh đất này, nghe bà Thái Hương nói về chiến lược, cách làm của tập đoàn TH, người ta mới thấy tầm nhìn xa của bà. Và hơn thế nữa, những người tới mảnh đất này đều cảm nhận được sự mạnh mẽ, quyết đoán của bà khi đưa nông nghiệp 4.0 vào chăn nuôi bò sữa nơi đây.

Định hướng vươn xa

Lần đầu bước chân tới mảnh đất bốn bề núi dựng ở xã Phong Quang (huyện Vị Xuyên, Hà Giang), nơi trang trại bò sữa TH sẽ được dựng lên, bà Thái Hương vô cùng hào hứng. Phát biểu tại lễ động thổ, bà chia sẻ:

“Đặt chân lên vùng đất này tôi nhớ lại cảm giác khi lần đầu tôi về Nghệ An để làm Dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao. Từ muôn vàn khó khăn, Dự án của chúng tôi đã thành công. Sự thành công đó đã đưa ly sữa của Nghệ An, Việt Nam ra thế giới và ngày hôm nay tôi lại thấy cảm giác như vậy. Đây cũng là mảnh đất đầy khó khăn, chỉ bước qua một dòng sông, qua con đường khoảng 10 km là đến cửa khẩu quốc tế. Thế nhưng, nơi này sẽ hiện thực hóa định hướng ngành sữa mà tôi muốn vươn xa”.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, bà Thái Hương- Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH và các đại biểu thực hiện các nghi thức động thổ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang của tập đoàn TH tại xã Phong Quang (huyện Vị Xuyên, Hà Giang)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, bà Thái Hương- Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH và các đại biểu thực hiện các nghi thức động thổ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang của tập đoàn TH tại xã Phong Quang (huyện Vị Xuyên, Hà Giang)

Bà Thái Hương nhắc lại về thực tế thị trường sữa dạng lỏng Việt Nam có tới 70% là sữa bột pha lại. Bà mong muốn bất cứ nơi nào ở đất nước Việt Nam có đủ đất làm trang trại, trồng cỏ, nuôi bò quy mô lớn thì bà sẽ đưa công nghệ vào, đưa khoa học quản trị vào để chăn nuôi bò sữa, sao cho mọi người dân đều có sữa tươi sạch để sử dụng. Các dự án của bà sẽ tận dụng tối đa những giá trị của đất đai, giá trị của khoa học quản trị tạo ra các sản phẩm nông nghiệp, không chỉ là sữa mà còn có các loại nông sản khác.

Định hướng của bà là sản xuất sữa tươi sạch, thực phẩm sạch phục vụ thị trường trong nước. Sau đó, sản phẩm sẽ hướng đến xuất khẩu.

Khi đặt chân lên mảnh đất Hà Giang, bà đã có chiến lược xuất khẩu sữa và nông sản sang thị trường Trung Quốc - một thị trường lớn với hơn 1 tỷ dân. Để thực hiện chiến lược này, tập đoàn TH đã mở chi nhánh tại Quảng Châu và đã đưa sản phẩm TH true MILK vào một số siêu thị của khu vực. “Chúng tôi đã thông thương được khoảng 80% sản phẩm sữa tươi TH true MILK sang Trung Quốc, họ đặt hàng cho chúng tôi mỗi tháng 50-60 contener các sản phẩm về sữa nhưng chúng tôi không cung cấp đủ. Dự án này sẽ kết nối TH tới gần thị trường rất tiềm năng này. Sau lễ động thổ tại Hà Giang, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát 6 tỉnh phía Bắc với mong muốn nơi nào cũng có bò sữa. Chúng tôi rất cảm ơn tỉnh Hà Giang đã tạo mọi điều kiện để những bước tiến đầu tiên của TH ở vùng biên giới thuận lợi và thành công”- bà Thái Hương nói.

Sáng tạo không ngừng, tư duy không ngừng

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, bà Thái Hương nhìn thấy dư địa thị trường của mặt hàng sữa tươi là rất lớn. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ xã hội, tư duy của bà cũng rất tường minh khi thực hiện hợp tác với nông dân theo hướng “hài hòa lợi ích”.

Ngay tại buổi lễ, bà Thái Hương đưa ra bài toán: “Tôi đi qua những ruộng ngô, mía hai bên đường. Những khu rộng này thu hoạch một năm trừ chi phí có giỏi cũng chỉ thu được 15-20 triệu đồng. Khi dự án bò sữa về đây, chúng tôi sẽ đưa công nghệ cao vào sản xuất, giúp nông dân trở thành “người nông dân 4.0” thông qua việc hướng dẫn cho bà con trồng cây thức ăn cho bò sữa, thực hiện các phương pháp ủ chua để bán cho trang trại. Thu nhập của bà con sẽ được cải thiện”.


Bà Thái Hương phát biểu tại Lễ Động thổ

Bà Thái Hương phát biểu tại Lễ Động thổ

Một trong những giá trị cốt lõi của sản phẩm mà bà Thái Hương theo đuổi chính là “hài hòa lợi ích”: “Khi đưa Dự án tới đây, chúng tôi tính tới lợi ích cho người dân đầu tiên và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ích bước tiếp theo. Do đó bà con yên tâm, đồng ruộng của bà con sẽ được khai thác hiệu quả, bà con sẽ hưởng lợi rất nhiều lần so với làm đơn lẻ”- bà Thái Hương khẳng định.

Thực tế tại Nghệ An, dù trang trại bò sữa TH chủ động phần lớn cây nguyên liệu thức ăn cho bò sữa, nhưng mỗi năm tập đoàn TH vẫn thu mua hàng trăm tỷ đồng các loại ngô, cỏ của nông dân, tạo việc làm cho hàng ngàn nông dân trong vùng dự án. Cách làm này sẽ tiếp tục được triển khai tại Hà Giang.

Về mặt sản phẩm, tại Hà Giang- dưới sự định hướng của bà Thái Hương- sẽ có thêm Dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng với diện tích lên tới 5.536 ha. Dự định của bà sẽ là kết hợp sữa tươi với thảo dược, sữa tươi với hoa quả đặc trưng trên địa bàn để sáng tạo ra dòng thức uống thảo dược, sữa tươi thảo dược.

“Hiện các dòng sản phẩm này thế giới chủ yếu là hóa tổng hợp, chúng tôi sẽ làm ra sản phẩm từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên organic (hữu cơ). Vùng đất nơi đây rất tuyệt vời, phù hợp với sản xuất sữa organic, các vùng khác của Hà Giang cũng rất phù hợp cho việc trồng thảo dược organic dưới tán rừng và hái lượm tự nhiên. Từ nguồn nguyên liệu đó, TH sẽ tạo ra những sản phẩm tốt cho con người, tạo ra nguồn thu cho bà con và góp phần dinh dưỡng lành mạnh cho một thế hệ thanh niên Việt Nam cao lớn hơn”.

Từ định hướng doanh nghiệp là nòng cốt, bà Thái Hương khẳng định sẽ giúp nông dân tham gia vào từng mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất và đem lại lợi ích cho cả cộng đồng: “Bà con sẽ góp công vào trồng nguyên liệu thức ăn cho bò sữa, trồng thảo dược sạch. Từ đó sẽ thoát nghèo. Từ thoát nghèo sẽ không phá rừng, giữ được rừng nghĩa là giữ được nguồn nước sạch. Điều đó sẽ giúp Việt Nam phát triển một nền kinh tế xanh sạch, thân thiện môi trường như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”- bà Thái Hương khẳng định.

Những thước đất đầu tiên đã được đánh thức từ lễ động thổ, bà Thái Hương tin rằng mảnh đất này sẽ sớm “nở hoa” và người dân sẽ tự hào về mảnh đất của họ.

Từ Hà Giang, “người đàn bà sữa tươi” Thái Hương sẽ tiếp tục vẽ những điểm mới trên bản đồ sữa Việt Nam. Khởi nguồn từ Nghệ An, Dự án chăn nuôi bò sữa của TH đã có mặt tại Thanh Hóa, Hà Giang… rồi xuôi về Phú Yên, Sóc Trăng. Trang trại bò sữa TH ở Nghệ An đã hoàn thiện với trang trại bò sữa công nghệ cao quy mô 45.000 bò sữa, đưa Tập đoàn TH trở thành doanh nghiệp chiếm 40% thị phần trong phân khúc sữa tươi trên thị trường sữa Việt Nam. Sau Nghệ An, trang trại TH ở Hà Giang đã bắt đầu thành hình một cách thuận lợi và hứa hẹn thành công trong tương lai không xa.

“Tôi rất vui mừng và rất ấn tượng vì hôm nay có mặt ở mảnh đất địa đầu của tổ quốc, xa xôi hẻo lánh để khởi công Dự án chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao 4.0, một dự án có ý nghĩa kinh tế xã hội rất lớn lao đối với đất nước và đặc biệt đối với tỉnh Hà Giang của chúng ta. vì đây là vùng sâu vùng xa vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.

Tôi đánh giá cao cách TH tiến hành Dự án theo hướng hài hòa lợi ích, và điều đó sẽ làm nên thành công của Dự án”

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ Động thổ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang ngày 27.11

Với dự án này, tập đoàn TH đặt mục tiêu hình thành các vùng trồng dược liệu tập trung và trồng dược liệu dưới tán rừng theo hướng nông – lâm kết hợp góp phần bảo vệ rừng đặc dụng, tăng hệ số sử dụng đất, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, trong đó có tài nguyên dược liệu. Các loại dược liệu được quy hoạch gồm:

- Nhóm dược liệu chiết xuất làm đồ uống: la hán quả, cúc hoa vàng, mã đề, bụp giấm, nhân trần, đẳng sâm, chè dây, chè hoa vàng, cam thảo...

- Nhóm dược liệu sử dụng làm thuốc và thực phẩm chức năng: xạ đen, bồ công anh, vân mộc hương, bạch truật, giảo cổ lam, đan sâm, đương quy (di thực), ba kích, tam thất, sâm việt nam, sâm cau, lan kim tuyến, lan thạch hộc, nấm linh chi, nấm lim xanh, mướp đắng rừng, nghệ, hà thủ ô...

Hà An