Tạm dừng xuất khẩu phân bón: giải pháp tình thế

(Dân trí) - Mức chênh lệch phân bón trong và ngoài nước khá cao nên một số doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này có hiện tượng “găm” hàng. Để chấn chỉnh, Bộ NN&PTNT vừa có công văn số 1188/BNN-KH đề nghị Bộ Công Thương tạm dừng cấp phép xuất khẩu phân bón.

Trao đổi với Dân trí, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy, cho biết: Việc Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương tạm dừng cấp phép xuất khẩu phân bón trong thời điểm hiện nay chỉ là biện pháp xử lý tình thế, chứ không phải là chủ trương lâu dài.

Trên thực tế, trong khi giá phân bón thế giới tăng đột biến, nhất là sau khi Trung Quốc tăng giá xuất khẩu phân bón lên 135% (từ 24/4/2008 đến 30/9/2008) thì nên tạm dừng xuất khẩu đến thời điểm đó, để có thể đảm bảo phân bón trong nước không chảy ra bên ngoài, gây nên cơn sốt trong nước.

Sau đó sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để điều chỉnh, bởi chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do nhiều loại phân bón chưa sản xuất được, như DAP, SA, Kali... phải nhập khẩu 100%.

Theo tôi, việc dừng xuất khẩu hay tạm nhập tái xuất các loại phân bón SA, Kali, DAP và Ure tại thời điểm này là rất đúng, nhưng không nên tạm dừng xuất khẩu các loại phân hữu cơ mà Việt Nam đang phát triển mạnh và các doanh nghiệp (DN) cũng đang khai thác thị trường xuất khẩu các loại phân này.

Nhưng nhiều ý kiến lo ngại rằng Bộ NN&PTNT đang làm khó các doanh nghiệp, khi nhiều loại phân bón hữu cơ nguồn cung vẫn dư thừa mà không được xuất khẩu?

Quan điểm của tôi là nên có quy định rõ tạm dừng xuất khẩu những loại phân bón nào. Chẳng hạn như phân bón nhập khẩu chính ngạch thì dừng là đúng, vì sau đó không bán trong nước mà lại xuất khẩu ra ngoài, nếu tiếp tục xuất khẩu sẽ dẫn tới thiếu hụt và giá tăng cao.

Còn đối với NPK hay một số loại phân hữu cơ, vi sinh chúng ta đang xuất khẩu sang thị trường một số nước như Lào, Campuchia thì không nên dừng bởi nó không chỉ gây khó khăn cho các DN mà còn gây ảnh hưởng đến phát triển sản xuất mặt hàng này trong nước.

Các DN đã phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng một thị trường và khi không được phép xuất khẩu thì nguy cơ mất thị trường là rất lớn. Bên cạnh đó, giá nhập khẩu tăng cao đặt các DN vào tình thế bất lợi.

Tôi đơn cử, trước đây với 200 USD có thể nhập được một tấn phân bón, nhưng hiện nay 500 USD mới nhập được một tấn. Điều này đòi hỏi vốn kinh doanh của các DN phải tăng lên, trong khi đó các DN chủ yếu là đi vay.

Tạm dừng xuất khẩu, ông có lo ngại trong thời gian tới sẽ dẫn đến việc buôn lậu sẽ diễn ra nghiêm trọng, khó kiểm soát?

Thời gian qua chúng ta nhập khẩu là chính, xuất khẩu không đáng kể, một năm khoảng vài trăm ngàn tấn. Riêng tình trạng “xuất khẩu ngược” là do một số nước đưa thuế xuất khẩu phân bón lên cao, do đó giá phân bón trong nước thấp hơn. Bên cạnh đó, việc xuất lậu cũng có nhưng ở mức độ nhỏ, lẻ, chủ yếu ở những đơn vị nhỏ.

Thế nhưng, không phải vì thế mà chúng ta không có biện pháp cụ thể, nếu việc này không được ngăn chặn thì sẽ rất nghiêm trọng. Bởi giá xuất cao DN lợi hơn là bán trong nước, điều này sẽ gây thiếu hụt ở thị trường trong nước, làm cho thị trường nóng lên, giá tăng cao và diễn biến phức tạp.

Các cơ quan quản lý thị trường và hải quan cửa khẩu phải tăng cường kiểm tra sau khi có lệnh tạm dừng xuất khẩu để ngăn chặn tình trạng xuất lậu.

Ông nhận định như thế nào về giá phân bón trong thời gian tới?

Việc Trung Quốc, Ấn Độ bước vào sản xuất vụ mùa, vùng Mỹ la tinh cũng vào vụ, như vậy yêu cầu về phân bón rất nhiều trong thời gian tới. Trước đây do các nước dự trữ trước một lượng phân khá lớn để đảm bảo cho sản xuất, nhưng gần đây phân bón cũng không có mua để dự trữ, nên tôi cho rằng nhiều khả năng giá sẽ tiếp tục tăng lên.

Giá vật tư nông nghiệp thời gian qua liên tiếp leo thang, trong đó giá phân bón cũng là một trong những mặt hàng làm tăng thêm chi phí cho nhà nông khi vào vụ. Với những khó khăn mà nông dân đang phải đối mặt, Hiệp hội có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Thời gian qua chúng tôi đã có kiến nghị với nhà nước như cần có định hướng về sản xuất nhập khẩu từ nay đến 2010, thay đổi chính sách phù hợp với tình hình mới, chỉ đạo các Ngân hàng tăng cho vay đối với các DN kinh doanh, nhập khẩu phân bón để làm sao có đủ vốn để kinh doanh nhập khẩu phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh sản xuất các loại phân hữu cơ mà chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được, ví dụ như phân lân nung chảy, hiện nhu cầu mỗi năm khoảng 1,5 triệu tấn nhưng các nhà máy mới sản xuất được khoảng 500.000 tấn.

Xin cám ơn ông!

Trần Hưng (thực hiện)