Tài sản NFT ở Trung Quốc vẫn "sốt hầm hập" bất chấp lệnh cấm
(Dân trí) - Bất chấp lệnh cấm, nhiều bộ sưu tập kỹ thuật số được tạo ra ở Trung Quốc vẫn được săn đón và được mua "trong vòng nốt nhạc" sau khi ra mắt.
Những điều kỳ lạ về NFT ở Trung Quốc
Cuối tuần trước, khi Simon Gao, một kỹ sư ở Hàng Châu quyết định tham gia rút thăm may mắn để mua một bức ảnh kỹ thuật số trên Bilibili, anh không ngờ rằng quá trình này lại khó khăn đến thế.
Nền tảng phát video trực tuyến này đặt ra tiêu chuẩn cao cho những người mua tiềm năng, yêu cầu những người đặt mua trong năm ngoái phải đăng nhập vào website mỗi ngày. Gao đủ điều kiện nhưng anh vẫn không thể mua được bức tranh NFT hình chim câu.
Cũng như các nơi khác, hiện nay, người Trung Quốc cũng rất quan tâm đến sự bùng nổ của thị trường NFT. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn cảnh giác với công nghệ này dẫn đến một quy tắc bất thành văn giữa các công ty là không sử dụng thuật ngữ NFT mà sử dụng từ trung lập hơn là "sưu tập kỹ thuật số". Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc hiện cung cấp các bộ sưu tập kỹ thuật số của riêng họ trên các blockchain.
Cùng với các "gã khổng lồ" công nghệ khác như Tencent, Alibaba, Bilibili là đơn vị mới nhất tham gia vào lĩnh vực này. Năm ngoái công ty này đã ra mắt nền tảng giao dịch NFT của riêng mình khi thị trường NFT nóng lên ở Trung Quốc. Ngoài ra, JD.com, Baidu và Xiaomi cũng tham gia bán các bộ sưu tập kỹ thuật số.
Tuy nhiên, không giống như các NFT được bán trên blockchain công khai trên thế giới, những sản phẩm NFT của các công ty Trung Quốc tạo ra lại không thể bán để kiếm lợi nhuận. Bởi Trung Quốc vẫn nhạy cảm với các sản phẩm tiền điện tử. Các nhà quản lý nước này cho rằng, các sản phẩm kỹ thuật số như bitcoin và các tài sản kỹ thuật số dễ bay hơi khác không thể trở thành công cụ đầu cơ.
Nhưng thực tế, theo South China Morning Post, những hạn chế này vẫn không làm giảm sự nhiệt tình của người tiêu dùng Trung Quốc đối với các tài sản kỹ thuật số. Nhiều bộ sưu tập kỹ thuật số được tạo ra ở Trung Quốc đã được mua "trong vòng nốt nhạc" sau khi ra mắt.
"Bạn phải thật nhanh mới mua được bộ sưu tập kỹ thuật số", Felix Huang, một nhà thiết kế đồ họa tại Thâm Quyến, người vừa mua được 10 bộ sưu tập kỹ thuật số cho biết. "Nếu bạn không thể mua được nó trong 10 giây đầu sau khi phát hành thì bạn hầu như không thể mua được", Huang khẳng định.
Sự vào cuộc của các "ông lớn"
Khi thị trường NFT "nóng lên" trên toàn cầu, một số công ty công nghệ Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng các thuật ngữ để gọi tên sản phẩm này. Tháng 6 năm ngoái, Jingtan - một nền tảng blockchain trước đây có tên là Antchain do Ant Group, một công ty con của Alibaba, phát triển -đã phát hành 2 "giao diện mã thanh toán NFT" có tên gọi "Dunhuang Feitian". Tác phẩm dựa trên các bức tranh cổ của Trung Quốc và có thể hiện thị làm hình nền cho mã thanh toán của Alipay. Hai tháng sau đó, Tencent cũng đã ra mắt ứng dụng NFT Magic Core, hay còn gọi là Huanhe trong tiếng Trung.
Cho đến giờ, Jingtan vẫn là một trong những nền tảng NFT nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Kể từ mùa hè năm ngoái, nền tảng này đã phát hành hàng chục tác phẩm sưu tập kỹ thuật số khác nhau dưới dạng tranh vẽ, âm nhạc, mô hình 3D… Mỗi sản phẩm có sẵn một số lượng NFT có giới hạn và thường được bán hết chỉ trong vài giây.
Wang Yongxu, một nghệ sĩ tại một studio ở Đại học Bắc Kinh, bắt đầu tạo NFT cho các bức tranh truyền thống Trung Quốc của mình vào tháng 10 năm ngoái và bán chúng trên Ali Auction, nền tảng đấu giá tích hợp sẵn của Alibaba.
"So với nền tảng đấu giá của Alibaba, vốn chỉ cho phép bán tranh kỹ thuật số, Jingtan có một lợi thế độc nhất, vì nó phát hành nhiều dạng sản phẩm khác nhau và có nhóm người dùng rộng hơn", Wang nói.
Trên OpenSea, thị trường NFT lớn nhất thế giới, hầu hết các NFT được bán trên chuỗi khối Ethereum và được mua bằng đồng ether. Bản chất phi tập trung của các chuỗi khối mở như vậy khiến các nhà chức trách Trung Quốc lo ngại về rủi ro tài chính hệ thống. Vì vậy, các bộ sưu tập kỹ thuật số ở Trung Quốc được mua bằng đồng nhân dân tệ, và việc mua hàng trên Jingtan thanh toán qua Alipay. Đây là điểm khác biệt cốt lõi giữa cách bán NFT ở Trung Quốc và nước ngoài.
Sự khác biệt này một phần xuất phát từ môi trường pháp lý ở Trung Quốc vốn coi tất cả các hoạt động liên quan đến tiền điện tử bao gồm khai thác và giao dịch là bất hợp pháp.
Trở lại với trường hợp của Gao, hiện anh đang sở hữu 3 bộ sưu tập kỹ thuật số trên Jingtan bao gồm cả mô hình ngọn đuốc 3D của Asian Para Games 2022. Gao cũng cho biết giá trị của những tài sản này hiện vẫn khiêm tốn.
"Với tôi, hiện các NFT này chỉ là 3 bức ảnh. Chúng không thể được sử dụng trong bất kỳ trường hợp nào cũng như không thể chuyển thành tiền mặt do bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 180 ngày", Gao nói.
Jingtan cho phép chủ sở hữu NFT chuyển nhượng tài sản của họ cho một bên khác sau 180 ngày kể từ ngày mua. Chủ sở hữu thứ hai chỉ có thể chuyển nhượng tài sản sau 2 năm. Tuy nhiên, việc bán NFT để lấy tiền vẫn bị cấm và quyền sở hữu chỉ giới hạn ở cư dân Trung Quốc đại lục từ 14 tuổi trở lên.
Bilibili thì cho biết họ sẽ ra mắt chức năng chuyển nhượng này trong tương lai. Còn Tencent, JD.com và Baidu hiện vẫn chưa có chức năng này.
Thị trường chợ đen cho các NFT cũng đã xuất hiện. Tìm kiếm "NFT" hoặc "đồ sưu tầm kỹ thuật số" trên chợ trời kỹ thuật số Xianyu của Alibaba không cho kết quả, nhưng tìm kiếm "Dunhuang" lại cho thấy có nhiều người mua tiềm năng sẵn sàng chi khoảng 3.000 nhân dân tệ (470 USD) cho một trong những NFT trên Jingtan, cao hơn 300 lần so với giá gốc.
Do những hạn chế về quy định và những khó khăn trong việc mua chúng, Gao đang tính đến việc từ bỏ ý định mua những bộ sưu tập này. "Suy cho cùng, giá trị của 3 bức ảnh này là gì mà đến mức tôi không thể bán nó", anh nói.