Tài sản của các tỷ phú Trung Quốc “bốc hơi” chóng mặt
(Dân trí) - Tình hình kinh tế ảm đạm đang khiến không chỉ chính phủ Trung Quốc mà giới nhà giàu nước này cũng đau đầu. Theo một nghiên cứu mới đây, chỉ trong một năm qua tài sản của các tỷ phú nước này đã “bốc hơi” mất gần một phần ba.
Đây là kết quả khảo sát do hãng nghiên cứu Wealth-X công bố hôm 17/9. Theo đó trong vòng một năm, tính từ 1/8/2011 đến 31/7/2012, tài sản của các tỷ phú Trung Quốc đã hao hụt gần một phần ba. Cùng lúc đó giới nhà giàu châu Á cũng bị “nghèo đi” nhanh chóng.
Cụ thể tổng tài sản của các triệu phú và tỷ phú Trung Quốc đã sụt giảm 160 tỷ USD, trong đó nguyên nhân chính là do sự lao dốc của thị trường chứng khoán. Trong giai đoạn này chỉ số Shanghai Composite Index đã giảm tới 20%. “Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm tài sản nhìn chung là do thị trường vốn hiện đang đi xuống…”, Mykolas Rambus CEO của Wealth-X khẳng định với kênh tài chính CNBC.
Tính tổng cộng, số lượng người siêu giàu tại Trung Quốc (được định nghĩa là những người sở hữu từ 30 triệu USD trở lên), đã giảm 2,3% trong năm qua. Trong khi đó tổng giá trị tài sản của nhóm người này giảm gần 7% xuống còn 1600 tỷ USD. Xu hướng này hoàn toàn trái ngược với đà phất lên của các “đại gia” Mỹ, những người hiện có khối lượng tải sản lên tới 8300 tỷ USD, tăng 3,3%.
Ông Rambus cho biết các cá nhân đổ tiền vào bất động sản và lĩnh vực sản xuất tại các tỉnh duyên hải của Trung Quốc là những người bị tác động lớn nhất do hoạt động sản xuất ngày càng có xu hướng dịch chuyển vào nội địa.
“Nếu khảo sát một vùng như Quảng Đông, tại đó vẫn có những người nắm giữ lượng lớn tài sản là nhà xưởng, đất đai, nguyên liệu thô. Họ chính là những người đang phải chứng kiến nhu cầu gần như biến mất và đôi khi các nhà xưởng hòan toàn trống rỗng”, ông Rambus nói.
Đối với toàn khu vực châu Á, trong năm qua tổng tài sản của giới siêu giàu đã giảm gần 7%, xuống còn 6300 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do sự đi xuống của ba nền kinh tế lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Các nước này vốn chiếm tới 75% số lượng người siêu giàu của châu lục.
Trong đó, số lượng người giàu tại Ấn Độ có sự sụt giảm mạnh nhất, không chỉ trong khu vực mà trên cả thế giới, với 485 người bị loại khỏi nhóm siêu giàu. “Thị trường chứng khoán Ấn Độ, vốn có tác động lớn tới nhóm người siêu giàu nước này, đã giảm 8% trong giai đoạn khảo sát. Bên cạnh đó đồng rupee cũng mất giá tới 25%”, bản báo cáo viết.
Dù vậy ông Rambus cũng lưu ý rằng bản báo cáo chưa chỉ ra số lượng cá nhân siêu giàu bị phá sản đã tăng lên. “Tương lai của họ đơn giản là không lối thoát và giá trị tài sản của họ đã bốc hơi do những gì đang diễn ra trên thị trường”.
Nhật Bản, quốc gia có số lượng người siêu giàu lớn nhất châu Á với 12.830 người, cũng chứng kiến sự lao dốc mạnh nhất thế giới về tổng giá trị tài sản với 195 tỷ USD “biến mất”. Các nguyên nhân chủ yếu đằng sau xu hướng này là do thị trường chứng khoán Nhật trồi sụt (đã giảm 16% trong giai đoạn khảo sát), nhóm ngành bất động sản và sản xuất phát triển yếu do hậu quả của sóng thần và khủng hoảng điện hạt nhân.
“Đó là những cú sốc liên tiếp với Nhật Bản và thành thực mà nói, ở một mức độ nào đó, nó khiến những chính sách đã tồn tại nhiều năm qua phải được tăng tốc sau những gì đã xảy ra trong 2 năm qua”, CEO của Wealth-X nhận định. “Do vậy không ít người đang rút tiền khỏi Nhật Bản để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các nước khác”.
Mặc dù những số liệu mới nhất cho thấy sự thịnh vượng của châu Á đang đi xuống, ông Rambus tin tưởng rằng đây chỉ là xu hướng tạm thời. “Quỹ đạo trong dài hạn vẫn không đổi. Hiện vẫn có rất nhiều tài sản đang được tạo ra tại châu Á. Điều đó là không có gì phải nghi ngờ. Vấn đề chỉ là sự phân phối và sụt giảm tạm thời của thị trường”, ông Rambus chốt lại.
Thanh Tùng
Theo CNBC