1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tái mặt vì "cầm than nóng" siêu cổ phiếu VNG

Mai Chi

(Dân trí) - VNZ đã có phiên quay đầu thứ 2 sau chuỗi tăng trần dựng đứng kể từ đầu tháng này. Phiên hôm nay, mã này chính thức giảm sàn với thanh khoản "bốc hơi".

Phiên giao dịch cuối tuần diễn ra trong trạng thái gay cấn và đầy hồi hộp với hầu hết nhà đầu tư chứng khoán.

VN-Index rung lắc mạnh trước khi đóng cửa với trạng thái tăng. Chỉ số đại diện sàn HoSE kết phiên tại 1.059,31 điểm, ghi nhận tăng nhẹ 1,02 điểm tương ứng 0,1%. Tuy nhiên, sàn HoSE lại "xanh vỏ đỏ lòng" khi số lượng mã giảm chiếm ưu thế với 221 mã giảm so với 173 mã tăng. Trong khi đó, VN30-Index giảm 1,54 điểm tương ứng 0,15% còn 1.053,72 điểm.

HNX-Index giảm 0,89 điểm tương ứng 0,42% còn 209,95 điểm; UPCoM-Index giảm 0,72 điểm tương ứng 0,91% còn 78,94 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía giảm giá với 465 mã giảm, 79 mã giảm sàn so với 394 mã tăng, 50 mã tăng trần.

Tái mặt vì cầm than nóng siêu cổ phiếu VNG - 1

Diễn biến giao dịch cổ phiếu VNZ (Ảnh chụp màn hình).

Đáng chú ý là số lượng mã giảm sàn trên UPCoM lên tới 58 mã. Biên độ dao động sàn UPCoM rất rộng, một phiên có thể giảm sàn lên tới hơn 15%. Ví dụ như, trong phiên này, LQN tuy chưa ở mức giá sàn nhưng đã giảm 33,3%; DPS, NTB giảm sàn với biên độ 16,7%. Chính vì vậy, cổ phiếu trên UPCoM thường phù hợp với những nhà giao dịch (trader) có khẩu vị rủi ro cao, nếu cổ phiếu tăng thì lãi đậm nhưng nếu cổ phiếu lao dốc thì có thể gánh thua lỗ nặng nề.

Cổ phiếu VNZ của Tập đoàn VNG có phiên quay đầu thứ 2 sau chuỗi tăng trần dựng đứng kể từ đầu tháng này. Phiên hôm nay, mã này chính thức giảm sàn với thanh khoản "bốc hơi". Tổng khớp lệnh trong phiên chỉ 800 cổ phiếu trong khi dư bán giá sàn còn 7.400 cổ phiếu, điều đó có nghĩa là gần như không có cầu. Thị giá của VNZ hiện đạt 1.219.500 đồng/cổ phiếu, là mã cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường, thuộc trường hợp hiếm hoi vượt 1 triệu đồng.

Do thị giá cao và biên độ dao động lớn nên trong phiên hôm nay, tính theo giá tuyệt đối, VNG giảm 215.200 đồng/cổ phiếu. Điều đáng lo ngại là khối lượng giao dịch của VNZ đang bó hẹp, thanh khoản kém và còn dư mua giá sàn cuối phiên. Chính vì vậy, những nhà đầu tư lỡ mua vào cổ phiếu này trong những phiên trước với mức giá cao thì sẽ khó tránh khỏi tâm lý sốt ruột như lửa đốt.

Nên nhớ là phiên 16/2, trước khi giảm 4,32% vào cuối phiên thì VNZ cũng có thời điểm tăng trần đầu phiên, khối lượng giao dịch phiên này lên tới 11.234 cổ phiếu; hoặc phiên 15/2, khi VNZ đạt mức giá 1.358.700 đồng thì khối lượng khớp lệnh tại VNZ cũng đạt gần 5.600 cổ phiếu.

Tình trạng tăng sốc, giảm sốc thường xảy ra trong quá khứ với nhiều cổ phiếu "nóng", đặc biệt là xảy ra nhanh chóng với cổ phiếu UPCoM. Các chuyên gia phân tích thường xuyên cảnh báo nhà đầu tư thận trọng, không nên mua đuổi với những cổ phiếu đã tăng mạnh, tránh tâm lý "fomo" (sợ bỏ lỡ).

Dù vậy, do VNZ ngay cả khi ở đỉnh thanh khoản vẫn khá khiêm tốn, do vậy, số lượng nhà đầu tư đu bám và kẹt lại trên "đỉnh" giá của cổ phiếu này có thể không nhiều.

Trở lại với thị trường chung, hôm nay VN-Index đóng cửa ở mức "giá xanh" không thể không đề cập tới công trạng của BID. Riêng BID đã đóng góp cho chỉ số hơn 1 điểm; bên cạnh đó còn có sự ủng hộ của VHM, VCB, VIB, EIB. Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, EIB tăng 4,8%; LPB tăng 3,6%; VIB tăng 2,9%; STB tăng 2,1% và BID tăng 1,8%.

Dòng bất động sản ghi nhận trạng thái tăng tại SCR, VRC, HTN, VHM, TDC, NVL, DRH, DXS, TCH, SZL… Dù vậy vẫn có những cổ phiếu giảm giá khá mạnh là TDH giảm 3,3%; SGR giảm 2,9%; QCG giảm 2,2%; CKG giảm 1,4%; HAR giảm 1,3%.

Ngành xây dựng và vật liệu chứng kiến sự khởi sắc của những cổ phiếu nhỏ, NNC tăng 6,5%; MCG tăng trần; GMH tăng 5,7%. Một số mã khác cũng có diễn biến tích cực là PC1 tăng 3,3%; LCG tăng 3%; VCG, HHV, FCN, TCD, CTD, CII, HBC tăng giá.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm