Tái cơ cấu ngân hàng bước đầu thành công
Sau gần hai năm thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng vượt qua thời kỳ khó khăn nhất khi đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ tái cơ cấu sở hữu và tư cách pháp nhân của những ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) yếu kém, các công ty tài chính và cho thuê tài chính.
Chấn chỉnh hệ thống tổ chức tín dụng
Thực hiện Quyết định số 254/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 734/2012/QĐ-NHNN về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam (TCTD), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tiến hành các giải pháp đồng bộ và quyết liệt để chấn chỉnh hệ thống các TCTD vốn đang đứng trước rủi ro và nhiều vấn đề cấp bách bắt nguồn từ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong hai năm qua có hai điểm sáng lớn. Đó là các thương vụ sáp nhập, hợp nhất và việc Công ty quản lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (VAMC) bước đầu mua nợ xấu của một số NHTM. Về cơ bản, việc mua bán nợ xấu của VAMC giúp các TCTD giảm nhanh nợ xấu, làm sạch bảng cân đối kế toán, lành mạnh hóa tình hình tài chính. Hơn nữa, thông qua việc tái cấp vốn các trái phiếu đặc biệt của VAMC, khi cần thiết, NHNN vẫn có thể bơm thanh khoản cho các NHTM.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, đến nay, 8/9 ngân hàng đã hoàn thành bước đầu lộ trình tái cơ cấu, với ngân hàng còn lại, NHNN đang xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án tự củng cố, chấn chỉnh trên cơ sở có sự tham gia vốn của TCTD nước ngoài. Phương án cơ cấu lại của 8/9 ngân hàng đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, NHNN chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc nào.
Công ty quản lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua lại trên 15.000 tỷ đồng nợ xấu từ 15 TCTD. Tính đến ngày 10/11, VAMC đã nhận hồ sơ từ 20 TCTD đề nghị bán tổng cộng khoảng 38.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong số này, VAMC đã mua lại trên 15.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 39%. |
Theo NHNN, các ngân hàng yếu kém đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN. Nhờ đó, tình hình hoạt động của các ngân hàng này được cải thiện hơn so với trước; huy động vốn từ dân cư tăng khá, nhiều khoản nợ xấu đã được xử lý và thu hồi; các vi phạm về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, vi phạm về cấp tín dụng đang được khắc phục, xử lý; hệ thống quản trị và tổ chức bộ máy, mạng lưới từng bước được củng cố...
Bên cạnh việc tập trung xử lý 9 ngân hàng yếu kém, NHNN tiếp tục đánh giá và xác định thêm một số TCTD yếu kém khác (2 NHTM cổ phần và 6 TCTD phi ngân hàng). NHNN yêu cầu các TCTD này xây dựng phương án cơ cấu lại trình NHNN phê duyệt để đảm bảo xử lý dứt điểm, căn bản các TCTD yếu kém trong năm 2013 theo đúng mục tiêu đặt ra tại Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB cho biết: Sau cuộc “hợp hôn” với Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank), SHB đã tăng được quy mô hoạt động kinh doanh, vốn điều lệ, thị phần, khách hàng cũng như mạng lưới hoạt động. Sau sáp nhập, toàn bộ hệ thống của SHB đã hoạt động minh bạch, an toàn và đang phát triển đúng định hướng. “Có thể khẳng định, SHB đang trở thành một định chế tài chính lớn, lành mạnh trong hệ thống NHTM Việt Nam. Điều đó cho thấy, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc cơ cấu ngành ngân hàng là chủ chương đúng đắn và là xu thế tất yếu”, ông Nguyễn Văn Lê cho biết.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chia sẻ: Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng quá trình tái cấu trúc của SCB thời gian qua đã đi theo đúng định hướng và đạt được những thành quả nhất định. Thứ nhất, việc tái cơ cấu đã góp phần ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, tạo dựng niềm tin cho khách hàng. Thứ hai, SCB trả được toàn bộ tái cấp vốn hơn 20.000 tỷ đồng cho NHNN. Thứ ba, SCB đã cân bằng được trạng thái vàng. Bên cạnh đó, trong quá trình tái cơ cấu, SCB liên tục báo cáo tình hình hoạt động và các diễn biến của thị trường cho NHNN Thành phố Hồ Chí Minh và nhận được chỉ đạo sát sao của cơ quan quản lý nên đã từng bước khắc phục được khó khăn. Nhờ đó, các đối tác trên thị trường liên ngân hàng cũng đã yên tâm khi giao dịch với SCB.
Đẩy nhanh xử lý nợ xấu
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định: Về cơ bản, lộ trình tái cấu trúc hệ thống của NHNN là đúng hướng, nhưng tiến độ xử lý ngân hàng yếu kém vẫn còn chậm, chưa xử lý dứt điểm; vấn đề xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều rào cản; tăng trưởng tín dụng chưa đạt mục tiêu mong muốn. Vì vậy, ông Lực khuyến nghị: Thời gian tới, việc xử lý nợ xấu cần phải được đẩy nhanh hơn.
Theo nhiều chuyên gia tài chính, nếu có sự tham gia của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, quá trình tái cơ cấu của hệ thống tín dụng trong nước sẽ đẩy nhanh được tiến độ. Bởi nguồn vốn mới từ bên ngoài sẽ giúp làm lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản, cải thiện tính thanh khoản. Quan trọng hơn, sự tham gia của NĐT nước ngoài sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch của các ngân hàng.
Quá trình tái cơ cấu cần huy động vốn từ cổ đông. Bên cạnh đó, liên quan đến việc xử lý nợ xấu, NHNN cần tham gia hỗ trợ sâu hơn để xử lý những vấn đề liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau.
Theo Minh Phương - Đức Minh