1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Tách” chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa

(Dân trí) - Từ ngày 15/4 tới đây, doanh nghiệp buộc phải loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành niêm yết bán đối với các loại sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Chi phí quảng cáo chính là nguyên nhân đẩy giá sữa tăng bất hợp lý thời gian qua.

Cục  Quản lý Giá (Bộ Tài chính) vừa có công văn số 89 gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn nhằm thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi trên địa bàn.

Loại bỏ chi phí quảng cáo, giá sữa liệu có giảm?
Loại bỏ chi phí quảng cáo, giá sữa liệu có giảm?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Theo đó, Cục Quản lý giá đề nghị Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan có văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc đối tượng kê khai giá tại địa phương rà soát, tiết giảm các khoản chi phí hình thành giá thành, giá bán sản phẩm và kịp thời giảm giá bán khi các khoản chi phí trong cơ cấu giá giảm.

Riêng đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi (các sản phẩm không được quảng cáo được quy định tại Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ), yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa thực hiện loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá và giảm giá tương ứng với mức chi phí quảng cáo đã loại trừ.

Đồng thời thực hiện kê khai giá lại theo quy định trước ngày 15/4 và tổng hợp tình hình triển khai, kết quả thực hiện và báo cáo định kỳ gửi về Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Cục Quản lý Giá cũng đề nghị Sở Tài chính tiếp tục  phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện biện pháp giá tối đa đối với sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi theo quy định; Tăng cường kiểm tra, thanh tra về việc thực hiện kê khai giá, phân bổ các khoản chi phí đặc biệt là chi phí quảng cáo đối với các sản phẩm sữa dưới 24 tháng tuổi của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện vi phạm cần xử lý kiên quyết, triệt để các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Còn tại công văn số 90/QLG-NLTS, Cục Quản lý Giá cũng đã đề nghị Các công ty sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi rà soát, tiết giảm các khoản chi phí hình thành giá thành, giá bán sản phẩm và kịp thời giảm giá bán khi các khoản chi phí trong cơ cấu giá giảm.

Riêng đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi (các sản phẩm không được quảng cáo theo quy định tại Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ), đề nghị công ty thực hiện loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá và giảm giá tương ứng với mức chi phí quảng cáo đã loại trừ. Đồng thời thực hiện kê khai giá lại theo quy định trước ngày 15/4/2015.

Trước đó, trong một chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời năm 2014, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong quá trình thanh tra giá sữa, cơ quan này đã phát hiện nhiều yếu tố bất hợp lý về giá cả và chi phí sản phẩm.

Bộ trưởng cho hay, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra giá sữa trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014 thấy, 5 công ty đều tăng giá bán, không có điều chỉnh giảm. Do đó, sau thanh tra chúng tôi đã tiến hành xử phạt hành chính với một công ty kê khai thiếu mặt hàng tăng giá, truy thu 4 trong số 5 công ty số thuế kê khai thiếu phải nộp với số tiền 10,2 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp rà soát tiết giảm chi phí để đảm bảo giá bán hạ xuống, đặc biệt là các khoản bất hợp lý về quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị với số tiền trên 386 tỷ đồng.

Trao đổi với báo giới, một số chuyên gia cho hay, hiện nay giá sữa ngoại tại nước ta đang tồn tại không ít bất cập. Trong đó, chi phí dành cho quảng cáo, tiếp thị chiếm khoảng 20% giá thành sữa, có khi lên tới 30%, làm đội giá thành sản phẩm lên.

Ngoài ra, tỷ lệ hoa hồng các hãng sữa chi cho các đại lý lớn; trên thị trường sữa bột ngoại chiếm gần 80%, mỗi hãng đều do một đơn vị độc quyền nhập khẩu và phân phối, dẫn đến các đơn vị tự khai giá thành nhập cao để đẩy giá bán cao…

 An Hạ

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”