1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sức ép tăng lãi suất tiếp tục thể hiện

Tốc độ tăng vốn huy động của các ngân hàng thương mại vẫn thấp hơn tốc độ tăng dư nợ cho vay. Đây là sức ép tăng lãi suất lớn, tiếp tục thể hiện trong những tháng cuối năm 2005.

Tính đến hết tháng 8/2005, ước tính tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 165.570 tỷ đồng, tăng 19,0% so với đầu năm và tăng tới 33,1% so với cùng kỳ này năm ngoái; trong đó dư nợ cho vay bằng nội tệ là 103.270 tỷ đồng, dư nợ cho vay ngoại tệ đạt 59.300 tỷ đồng.

 

Dự báo tính đến hết năm 2005, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay cả năm của thành phố sẽ vượt con số 30%, tiếp tục cao hơn hẳn tốc độ tăng chung của cả nước.

 

Số liệu trên cho thấy đây là địa bàn hấp dẫn đầu tư, đầu tư an toàn đối với các ngân hàng thương mại. Vốn đầu tư thời kỳ này sẽ thúc đẩy kinh tế của thành phố trong 4 tháng cuối năm 2005 và cả năm 2006 tăng cao.

 

Lãi suất cho vay trên địa bàn tiếp tục tăng đáng kể theo mặt bằng lãi suất chung. Lãi suất cho vay tăng thêm từ 0,2 - 0,4%/năm, mức cao nhất kỳ hạn 12 tháng tiền gửi nội tệ lên tới 9,61%/năm. Lãi suất cho vay nội tệ của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng tăng và hiện nay phổ biến nằm trong khoảng 9,72% - 13,2%/năm tuỳ theo đối tượng khách hàng, thời hạn vay và đối tượng vay.

 

Lãi suất cho vay trung dài hạn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quỹ tín dụng nhân dân ở vùng nông thôn ngoại thành là cao nhất, tới 1,25%/tháng, tương đương 15,0%/năm.

 

Vốn tín dụng ngân hàng được đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đến các doanh nghiệp trong nước; trong đó xu hướng vốn được đầu tư tăng cao cho các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng làm việc, khách sạn cao cấp, chung cư có chất lượng cao theo quy hoạch và các dự án kích cầu của UBND thành phố, đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn ngoại thành.

 

Riêng vốn cho vay đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đến nay đạt 20.442 tỷ đồng, chiếm 13,52% tổng dư nợ, nhưng tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm có 0,61%.

 

Vốn tín dụng ngân hàng cũng có xu hướng tài trợ cho các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, phát triển và mở rộng kinh doanh, đổi mới công nghệ và thiết bị,.. Do đó đến nay tỷ lệ dư nợ trung dài hạn đến nay chiếm tới 41% tổng dư nợ trên địa bàn.

 

Vốn đầu tư cho nông nghiệp nông thôn đạt dư nợ 5.126 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cuối năm 2004.

 

Vốn đầu tư cho chương trình kích cầu của UBND thành phố đạt 649,8 tỷ đồng với 81 dự án cho vay trực tiếp và 4 dự án cho vay kích cầu. Vốn cho vay các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất đạt dư nợ 15.277 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm.

 

Vốn cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu,... cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh và hiệu quả.

 

Trong 8 tháng đầu năm 2005 cũng như trong giai đoạn 2000 - 2004, các ngân hàng thương mại trên địa bàn có xu hướng mở rộng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp hoạt động sản xuất, doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ ổn định. Hiện nay dư nợ vay doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 43% - 47% tổng dư nợ cho vay.

 

Nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại trong giai đoạn 2000-2004 cũng luôn có tốc độ tăng trưởng trên 25%. Tính đến hết tháng 8/2005, tổng số dư vốn huy động của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 169.030 tỷ đồng, tăng 12,4% so với đầu năm và tăng 23,5% so với cùng kỳ này năm ngoái; trong đó tiền gửi tiết kiệm của dân cư là 60.100 tỷ đồng, tiền gửi thanh toán là 102.930 tỷ đồng, phát hành trái phiếu và kỳ phiếu trên 6.000 tỷ đồng.

 

Tốc độ tăng vốn huy động thấp hơn tốc độ tăng dư nợ cho vay nên đây là sức ép tăng lãi suất rất lớn trong những tháng cuối năm 2005. Tuy nhiên, do được vay vốn khá đầy đủ và kịp thời nên các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả,... tạo tiền đề khả quan cho việc xử lý nợ đọng của các ngân hàng thương mại.

 

Thị trường nội tệ liên ngân hàng trên địa bàn tiếp tục phát triển với các hình thức vay mượn lẫn nhau giữa các tổ chức trung gian tài chính dựa trên nền tảng lãi suất của thị trường tiền tệ.

 

Tính đến nay số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác đạt 22.517 tỷ đồng, tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác đạt 21.385 tỷ đồng, cho vay tổ chức tín dụng khác đạt 4.724 tỷ đồng và đi vay tổ chức tín dụng khác là 3.600 tỷ đồng.

 

Lãi suất trên thị trường này biến động không lớn. Lãi suất cho vay qua đêm là 6,0%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 6,8%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 7,3%/năm và lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 7,8%/năm.

 

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xác định, một mặt sẽ đảm bảo chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng theo nghị quyết của Quốc hội, mặt khác sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình cho vay, bảo đảm chất lượng tín dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và sức cạnh tranh của các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố.

 

Theo VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm