Bộ Kế hoạch & Đầu tư:
Sức chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp đã tới hạn
(Dân trí) - Do khó khăn, thách thức đặt ra với nền kinh tế còn rất lớn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là quy mô vừa và nhỏ đã đến mức tới hạn.
Nhận xét này được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại báo cáo gửi tới phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, sáng 5/8.
"Khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đến mức tới hạn", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận xét và đề nghị chính sách điều hành cần quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực, tranh thủ mọi cơ hội để phục hồi nhanh tăng trưởng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn và nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xu hướng chung toàn cầu. Trong khi đó, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đến mức tới hạn.
Theo báo cáo của Bộ này, kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng có dấu hiệu khởi sắc so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 3,12% so với cùng kỳ, tốc độ tăng CPI tiếp tục xu hướng giảm. 7 tháng đầu năm, xuất siêu ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 12 lần so với cùng kỳ 2022.
Đáng chú ý là tổng vốn FDI đăng ký tháng 7 đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng gần 9% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ 2022. Vốn FDI thực hiện 7 tháng đạt khoảng 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng lưu ý khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn. Những thách thức này không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn, phụ thuộc vào xu hướng chung toàn cầu. Trong khi đó, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đến mức tới hạn.
Điều này tạo rủi ro, sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn về ngân sách, đầu tư, tiêu dùng, lao động việc làm và an sinh xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng áp lực tăng trưởng là rất lớn nên cần thúc đẩy hơn nữa các động lực về tiêu dùng trong nước, đầu tư bao gồm khu vực tư nhân trong nước, doanh nghiệp Nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công và xuất khẩu.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận xét, khó khăn nhiều hơn cơ hội trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp.
Trên thế giới, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng. Lạm phát trên thế giới có thể đã qua đỉnh nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào 26/7.
Áp lực nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản vẫn còn cao tại một số quốc gia. Hệ thống ngân hàng Mỹ tiềm ẩn yếu tố rủi ro khi có thêm 1 ngân hàng quy mô nhỏ tại Mỹ bị kiểm soát đặc biệt.
Thủ tướng cũng chỉ ra thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu khi Ấn Độ, Nga và một số nước ngừng xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, ảnh hưởng đến nguồn cung gạo thế giới. Nguồn cung dầu thô tiếp tục bị thu hẹp, đẩy giá dầu tăng cao nhất từ tháng 4.
Theo Thủ tướng, các nước trên thế giới vẫn đang giải các "bài toán khó" giữa thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Trong khi đó, tình hình trong nước chịu tác động kép, phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, trong đó có các vấn đề của thị trường trái phiếu, bất động sản… bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh khó khăn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành địa phương cần phát huy những việc đã làm tốt, nêu rõ việc chưa đạt yêu cầu, nhận diện, dự báo tình hình thời gian tới, từ đó đưa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả.