Sữa rởm: Vỏ phế liệu, ruột chợ trời
Thu gom vỏ lon sữa đã qua sử dụng, mua sữa bột trôi nổi trên thị trường (không nguồn gốc, thành phần, nhập lậu từ Trung Quốc) cho vào rồi “tút” lại thành sữa xịn. Công nghệ làm sữa rởm đang nở rộ khiến người tiêu dùng tiền mất tật mang.
Tuy nhiên, điều kiện để người này mua là các lon sữa phải còn nguyên vẹn, đầy đủ nắp và không gỉ sét. Tại các vựa thu gom phế liệu, vỏ lon sữa các loại cũng được những người thu gom săn tìm với giá 5.000- 7.000 đồng/vỏ còn nguyên vẹn. Những người thu gom không bán cho các cơ sở tái chế, mà bán lại cho các cơ sở làm sữa rởm.
Bằng công nghệ gom vỏ lon từ vựa phế liệu, sau đó mua sữa bột trôi nổi ở các chợ, ông Hồ Bảo Sơn (62 tuổi, ở 58 đường Nhật Tảo, phường 4, quận 10, TPHCM) đã cho ra lò hàng nghìn hộp sữa giả từ nhiều năm qua. Ngày 20/3, lực lượng Công an quận 10, TPHCM ập vào khám xét cơ sở do ông Sơn làm chủ, phát hiện hàng loạt máy móc, dụng cụ, vỏ hộp sữa, nguyên vật liệu… để sản xuất sữa giả.
Tại lò làm sữa rởm, ông Sơn đã cho ra đời hàng chục lon sữa thành phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng như Ensure Gold, Glucerna, Ensure Grow... Cũng bằng công nghệ “vỏ lon phế liệu, ruột là sữa trôi nổi”, Lê Tấn Phước (33 tuổi, ngụ ở huyện Bình Chánh, TPHCM) đã cho ra lò hàng nghìn lon sữa giả hiệu Physogrow, Pigo, Gina Milk… cho đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện vào giữa năm 2014.
Bẫy người tiêu dùng
Đổ bỏ một lon sữa ngoại do con mình uống vào bị tiêu chảy, chị Nguyễn Thị Thức (28 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, sữa mua của hãng sữa nước ngoài nổi tiếng tại đại lý gần nhà. Nhưng không hiểu sao con bị tiêu chảy. “Cách đây hai tháng, đi làm về trễ nên không vào đại lý lớn mua được, tôi tấp vào một cửa hàng nhỏ bên đường mua. Mang về con tôi không chịu uống hết song sau đó đã bị tiêu chảy. Tôi nếm thử sữa thì thấy mùi vị không giống như sữa bình thường, dù vỏ hộp giống hiệu sữa nổi tiếng”, chị kể.
Chị Trương Thị Hồng (26 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) cho biết, chị rất băn khoăn khi chọn sữa cho con. “Giờ ra siêu thị, cửa hàng bán sữa có vô số loại sữa ngoại, sữa nội, giá cả cũng không chênh lệch nhau bao nhiêu. Tuy nhiên, gần đây báo đài liên tục đưa tin các cơ sở sản xuất sữa giả, nhái nhãn hiệu của các hãng sữa ngoại nổi tiếng khiến tôi mỗi lần đi mua sữa cho con cứ lo lắng vì sợ nhầm sữa giả”, chị Hồng nói.
Ông Nguyễn Văn Thuận, chủ cửa hàng sữa trên đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TPHCM, nói rằng, các loại sữa ngoại nhập bị làm giả nhãn hiệu khiến người tiêu dùng tù mù, mất lòng tin. “Điều này làm ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh” - ông Thuận than phiền. Theo ông, người tiêu dùng có thể dựa vào hạn sử dụng để lựa chọn, nếu chữ bị nhòe, mờ hay có dấu hiệu bị cạo tẩy là hàng giả.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, sữa bị làm giả trong thời gian qua đáng báo động. Trong 239 vụ vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thị trường phát hiện nhiều vụ làm sữa nước, sữa bột rởm. Riêng mặt hàng sữa nước Ensure loại 237 ml/chai nhập lậu có ghi dòng chữ tiếng Anh “không được bán tại Việt Nam”, quản lý thị trường đã tịch thu hơn 6.700 chai.
“Hiện tại, trên thị trường sữa bị làm giả, nhái nhãn hiệu chủ yếu là các sản phẩm của Abbott như Ensure Gold, Ensure Grow… đa phần các nguyên liệu làm giả sữa đều nhập lậu từ Trung Quốc không nguồn gốc, thành phần. Các đối tượng làm sữa giả mua về trộn lẫn với sữa thật thu lợi bất chính”, một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết.
Nguy hiểm khi dùng sữa trôi nổi
Theo bác sĩ Lê Hoàng Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa - BV Nhi đồng 1 TPHCM, nơi đây thỉnh thoảng tiếp nhận trẻ em nhập viện do tiêu chảy vì uống sữa không đảm bảo chất lượng. Ông Phúc cho biết, cách đây 2 tháng, nơi đây tiếp nhận một trẻ 3 tuổi bị tiêu chảy, phù chân, mặt và có rối loạn sắc tố da. Qua điều tra mới biết trẻ được cho uống sữa bột lâu ngày. Thực tế các loại sữa rởm không có hoặc ít chất dinh dưỡng. Khi uống lâu dài, trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù.
Lê Nguyễn |
Theo Ngô Bình