Sửa luật để giảm giá xăng dầu
Giá xăng, dầu thô tại Singapore đã giảm mạnh. Thế nhưng, doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa thể giảm giá bán lẻ trong nước vì... theo nghị định 84 họ vẫn lỗ. Các chuyên gia cho rằng giá xăng dầu chỉ có thể giảm nếu sửa nghị định 84.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu, cần tách lợi nhuận định mức ra khỏi giá cơ sở; thay đổi khoảng thời gian tính giá cơ sở trung bình để làm tiêu chí điều chỉnh giá bán lẻ và chuyện lời lỗ của doanh nghiệp không thể khẳng định theo các mức giá trung bình tại Singapore mà phải theo giá nhập khẩu thực tế.
Lời từ 800-960 đồng/lít
Nhiều phiên giao dịch liên tiếp gần đây giá dầu thô đứng ở mức thấp. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/10, dầu thô WTI của Mỹ chỉ còn 75,67 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2010 đến nay. Chiều 5/10, dầu thô Brent của Anh còn 99,79 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2011. Điều này đã tác động mạnh mẽ lên diễn biến giá xăng dầu thành phẩm.
Tại Singapore - thị trường cung cấp chính của VN, giá các loại xăng A92, dầu DO, dầu hỏa... đã xuống dốc từ khoảng hai tuần trở lại đây. So với ngày 26/8 (thời điểm Bộ Tài chính quyết định giảm 500 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít dầu), giá nhập khẩu dầu DO, dầu hỏa hiện thấp hơn khoảng 1.000 đồng/lít
Cụ thể, giá xăng A92 bắt đầu giảm rõ rệt từ phiên giao dịch ngày 23/9 khi rời ngưỡng 122 USD/thùng trong các ngày trước đó xuống còn trên 118 USD/thùng. Trong tháng 9/2011, phiên giảm mạnh nhất là ngày 26/9, giá chỉ còn 114,88 USD/thùng. Đặc biệt, hai phiên giao dịch đầu tháng 10/2011, xăng A92 vẫn nối tiếp đà giảm khi chỉ còn 114,85 USD/thùng vào ngày 3/10 và giảm tiếp 1 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 4/10, còn 113,85 USD/thùng. Với mức giá mới nhất này, so với giá ngày 26/8, giá xăng tại Singapore đã giảm trên 8 USD/thùng, tương ứng hơn 1.000 đồng/lít xăng.
Theo tính toán của các chuyên gia xăng dầu dựa theo chiết khấu thực tế của doanh nghiệp đầu mối cho các đại lý và theo giá tại Singapore ngày 4/10, giá cơ sở xăng A92 là 20.140 đồng/lít, thấp hơn giá bán lẻ 660 đồng/lít.
Tuy nhiên, giá cơ sở này đã gồm 300 đồng lợi nhuận định mức của doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính tại nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.
Do đó, nếu tính cả khoản lợi nhuận định mức, doanh nghiệp đầu mối nhập xăng về trong ngày 4/10 có thể lời 960 đồng/lít. Còn nếu tính theo mức giá trung bình hơn 10 ngày trở lại đây, giá cơ sở chưa có lợi nhuận định mức khoảng 20.000 đồng/lít. Như vậy doanh nghiệp cũng đã có lời 800 đồng/lít.
Mặc dù chưa giảm giá bán lẻ nhưng các doanh nghiệp đầu mối lại đang lo tăng chiết khấu cho đại lý trước. Theo phụ trách kinh doanh một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở TP.HCM, cuối tuần trước chiết khấu đối với mặt hàng dầu đã tăng từ 200 đồng/lít lên 550 đồng/lít. Chiết khấu với xăng sau khi được tăng từ 100 đồng/lít lên 200 đồng/lít từ cách đây hơn một tuần nay cũng đã được các đầu mối hứa miệng là sẽ tăng tiếp trong vài ngày tới.
Nên điều chỉnh theo tuần
Bất chấp diễn biến giá xăng dầu thế giới, các doanh nghiệp đầu mối cho biết vẫn chưa thể giảm được giá xăng vì theo giá cơ sở 30 ngày trở lại đây thì doanh nghiệp vẫn lỗ.
Cụ thể, nếu theo công thức tính giá cơ sở của Bộ Tài chính tại nghị định 84, giá cơ sở đang cao hơn giá bán lẻ 900 đồng/lít. Nhưng do trong giá cơ sở có khoản phân phối lợi nhuận định mức 300 đồng/lít nên doanh nghiệp lỗ khoảng 600 đồng/lít. Tuy nhiên, nếu tính theo chiết khấu thực tế của doanh nghiệp (thay cho mức 600 đồng/lít chi phí kinh doanh định mức của Bộ Tài chính) thì doanh nghiệp chỉ lỗ khoảng 200 đồng/lít.
Như vậy, theo các chuyên gia, với cách tính giá cơ sở theo mức trung bình 30 ngày thì việc điều chỉnh giá xăng (cả tăng và giảm) đều khó. Cụ thể trong tình thế hiện nay, giá thế giới đã giảm cả chục ngày trở lại đây nhưng vướng quy định trên nên giá trong nước vẫn phải đứng yên.
Một chuyên gia phân tích sở dĩ nói giá cơ sở trung bình 30 ngày cản trở việc điều chỉnh giá bán lẻ trong nước bởi hiện nay nó không còn phù hợp với diễn biến giá thế giới. Chu kỳ biến động giá xăng dầu thế giới từ 7/10 ngày. Nhưng chờ điều kiện giá cơ sở thì giá thế giới có thể sẽ sang một chu kỳ khác. Và cũng vì lý do này, đã hai lần (trong tháng 6/2011 và đầu tháng 8/2011) người tiêu dùng mất cơ hội được mua xăng giảm giá theo giá thế giới.
Ông T., người điều hành một doanh nghiệp chuyên cung cấp thông tin trong lĩnh vực xăng dầu, cho biết theo quan sát, nếu điều chỉnh giá theo tuần sẽ giúp các đầu mối chủ động điều chỉnh theo biến động giá thế giới.
Như vậy không chỉ hài hòa lợi ích doanh nghiệp đầu mối, người tiêu dùng mà các đại lý bán lẻ cũng không bị rơi vào tình trạng sống dở chết dở khi giá thế giới tăng, doanh nghiệp đầu mối chưa thể tăng nên buộc phải giảm chiết khấu, có thời điểm xuống 50 đồng/lít xăng.
Hơn nữa, cũng không có trường hợp giá thế giới giảm nhưng doanh nghiệp chưa phải giảm theo giá cơ sở nên có thể tăng chiết khấu cho đại lý lên đến 1.500 đồng/lít. Một số chuyên gia cũng ủng hộ phương án rút bớt thời gian tính giá cơ sở xuống còn khoảng 10 ngày sẽ phù hợp với thực tế thị trường hơn.
Theo cơ quan điều hành giá xăng dầu, quy định giá cơ sở trung bình 30 ngày là để doanh nghiệp đầu mối phải dự trữ 30 ngày, đảm bảo không đứt nguồn cung nếu có vướng mắc xảy ra.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hiện nay sự phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu đã giảm đáng kể. Thay vào đó, nguồn xăng dầu trong nước có thể giúp doanh nghiệp chủ động hơn. Hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đáp ứng trên 30% nhu cầu tiêu thụ.
Ông Nguyễn Hoài Giang, tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, cho biết hiện nay Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang chạy tới 105% công suất.
Chín tháng đầu năm nay, lượng xăng dầu các loại đã xuất bán ra thị trường khoảng 3,71 triệu tấn. Theo ông Giang, từ nay đến cuối năm nhà máy vẫn duy trì lượng sản xuất trên 19.000 tấn/ngày và ba đầu mối tiêu thụ chính vẫn là Petrolimex, PV Oil và Petec.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, một điểm nữa cần thay đổi trong nghị định 84 là khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Khoản này cần được tách khỏi giá cơ sở để minh bạch hơn khi so sánh giá cơ sở với giá bán lẻ khi công bố thông tin cho người dân, không nhập nhằng lỗ lãi.