Sửa chính sách để phá băng bất động sản

Trong 48 ý kiến đóng góp về chuyên đề giám sát đất đai của Quốc hội, có gần một nửa đề nghị Chính phủ sửa đổi chính sách thuế, giá đất, thủ tục đền bù để khai thông thị trường địa ốc hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh nói thẳng: “Mục đích đưa ra Luật Đất đai sửa đổi năm 2003 và Nghị đinh 181 là lập lại trật tự trong quản lý đất đai, làm cho giá đất bớt sốt, nhưng từ chỗ "sốt" lại làm cho đóng băng”.

 

Ông dẫn chứng những bất hợp lý trong chính sách. Cụ thể, thuế trước bạ và thuế chuyển quyền sử dụng đất vẫn là 5% nhưng giá đất trước đây 3 triệu đồng giờ tăng gấp ba khiến tổng số thuế người dân phải nộp tăng tương ứng. Thuế doanh nghiệp đánh đến 28%, chưa kể VAT 10%, trong khi ở các nước phát triển chỉ 1%.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng chỉ trích Nghị định 181 quy định thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất bằng 50% giá trị tiền đất là không hợp lý. Có cử tri đã bức xúc nói rằng: “Nhà nước thu hồi đất của cha để bán lại cho con”. Bởi lẽ đất thổ cư của tổ tiên, ông bà, cha mẹ để lại ở trong vườn, nay làm nhà riêng cho con, làm bìa đỏ tách sổ cho con lại phải nộp 50% giá đất.

 

Đại biểu Trần Luân Kim kết luận: “Thị trường hết sốt lại đóng băng hoàn toàn do các chủ trương, các quy định của Nhà nước. Tôi đề nghị Chính phủ phải rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản quy định về kinh doanh, đất đai, địa ốc để có được những chủ trương mới. Từ trước đến nay chưa có sự rà soát toàn diện vấn đề này”.

 

Xóa sổ quy hoạch “treo” không dễ

 

Chính phủ đặt quyết tâm 30/6/2007 sẽ giải quyết xong dự án “treo”. Tuy nhiên, theo đại biểu Huỳnh Thị Hường, trong 1 năm khó có thể thanh toán được việc này. Bà Hường nhắc lại lời nói của Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực về việc hoàn thành cấp giấy sử dụng đất vào cuối 2005. “Nhưng đến giờ giữa tháng 6 năm 2006 rồi vẫn chưa xong”, bà nói thêm.

 

Kiên quyết với quan điểm phải chấp nhận quy hoạch treo, đại biểu Nguyễn Bá Thanh dẫn chứng chuyện làng đại học ở Đà Nẵng, quy hoạch 300 ha cách đây 12 năm, bây giờ chưa động tĩnh gì. “Nhưng nếu để dân làm nhà thoải mái rồi thì về sau lấy tiền đâu mà đền bù cho nổi”, ông nói.

 

Theo quy định của Luật Đất đai, dự án treo 3 năm không thực hiện được thì phải tuyên bố hủy. Tuy nhiên trên thực tế nhiều địa phương có dự án treo đã 10 năm nhưng vẫn án binh bất động.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng, tỉnh Quảng Bình lấy dẫn chứng, ở Quảng Bình cách đây 10 năm quy hoạch vùng di tích lịch sử của đập Luỹ Thầy, phải di dời khoảng 40 hộ dân nhưng không có tiền, địa phương cứ loay hoay mà cũng không tuyên hủy.

 

Theo Phong Lan

VnExpress