Sự thực việc mua nhà, mua xe bằng ứng dụng hoàn tiền đa cấp

Ứng dụng hoàn tiền đa cấp My Aladdinz được quảng cáo là giúp mua nhà, mua xe… và được hoàn tiền tới 80%.

Hoàn tiền khi mua sắm (cashback) là dạng mô hình người tiêu dùng được hoàn lại một phần tiền khi mua sắm thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, hoặc qua ứng dụng mua hàng. Đây là một hình thức khuyến mãi, kích cầu chi tiêu khá phổ biến trên thế giới và bắt đầu quen thuộc tại Việt Nam.

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn, mạng xã hội đã xuất hiện không ít bài viết, video quảng cáo, thậm chí tổ chức các buổi hội thảo để giới thiệu về ứng dụng (app) thanh toán hộ có tên My Aladdinz.

My Aladdinz được giới thiệu là sản phẩm của Success Resources (Singapore) - một công ty chuyên tổ chức các sự kiện đào tạo quốc tế quy mô lớn với sự tham gia của những diễn giả nổi tiếng.

Chức năng của ứng dụng My Aladdinz là giúp thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe… với khả năng hoàn tiền lên đến 80% giá trị hóa đơn mua hàng.

Sự thực việc mua nhà, mua xe bằng ứng dụng hoàn tiền đa cấp - 1

Các hội, nhóm tham gia ứng dụng hoàn tiền đa cấp My Aladdinz hoạt động rầm rộ. (Ảnh chụp màn hình)

Mô hình phát triển “thần tốc” lên tới cả chục nghìn thành viên

Khảo sát của phóng viên VOV cho thấy, cộng đồng tham gia ứng dụng My Aladdinz không nhỏ, với tốc độ gia tăng thành viên “chóng mặt”. Chỉ cần tìm kiếm cụm từ “My Aladdinz” trên mạng xã hội sẽ cho ra hàng loạt các hội, nhóm hoạt động, với số thành viên lên tới hàng chục nghìn.

Cụ thể như nhóm “Myaladdinz MUA - BÁN bằng Gem” tuy mới được tạo ra từ tháng 11/2019, nhưng sau chưa đầy 10 tháng, số thành viên tham gia đã lên tới hơn 81.000 thành viên, với số lượng bài viết mới mỗi ngày hơn 4.000.

Để là thành viên của My Aladdinz, người dùng phải đăng ký tài khoản, điền các thông tin cá nhân và thông tin về người giới thiệu, đồng thời nạp vào tài khoản của mình số tiền ít nhất 100 USD (khoảng 2,4 triệu đồng). Số tiền khi nạp vào tài khoản được quy đổi thành “gem” (đơn vị thanh toán trong ứng dụng). Mỗi “gem” có giá trị tương ứng với 1 USD.

Với hệ thống đại lý, họ sẽ phải bỏ tiền mua 300 “gem” với giá 300 USD (khoảng 7 triệu đồng). Đổi lại, chủ cửa hàng có quyền đăng ký nhiều dịch vụ như thu hộ điện nước, bán thẻ cào điện thoại, thanh toán hộ lãi vay tiêu dùng, học phí, viện phí…

Thực hư việc mua nhà, mua xe bằng… gem

My Aladdinz chia mức thưởng hoa hồng theo tỷ lệ phần trăm với tối đa 15 cấp bậc. Nếu lôi kéo được nhiều người khác cùng sử dụng, đầu tư vào My Aladdin, người dùng sẽ được chiết khấu hoa hồng theo từng cấp tương tự mô hình đa cấp…

Sự thực việc mua nhà, mua xe bằng ứng dụng hoàn tiền đa cấp - 2

Nhiều ý kiến cho rằng việc mua xe ô tô nhờ ứng dụng My Aladdinz là không đúng sự thật. (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài hình thức thanh toán bằng “gem”, My Aladdinz còn dụ dỗ người tham gia đầu tư bằng cách cho ứng dụng này vay số “gem” họ có. Đổi lại, My Aladdinz sẽ trả lãi từ 0,1-0,2% mỗi ngày. Số tiền này được app chi trả liên tục cho tới khi người dùng nhận tổng số gem bằng 5 lần mức đã cho vay trước đó.

Tuy nhiên, thực tế ứng dụng My Aladdinz chỉ có các tính năng tương tự như một ví điện tử. Trong khi, các chức năng khác không thể sử dụng bởi không được đầu tư phát triển. Do vậy, rất khó lý giải việc cách My Aladdinz tạo ra giá trị để có thể mang tới mức lãi suất “khủng” như quảng cáo.

Nguyễn Thu H., một thành viên tham gia cộng đồng My Aladdinz tại Việt Nam, cho biết, việc mua sắm đồ dùng hằng ngày hay như thanh toán tiền điện thoại, wifi, trả tiền thuê nhà… bằng gem là có, nhưng mua xe, mua nhà chỉ thấy một số admin khoe qua ảnh là chính.

Trong khi đó, mấy ngày gần đây, liên tục trên các mạng xã hội, diễn đàn xuất hiện những thông tin “bóc phốt” chiêu trò mua xe của thành viên ứng dụng này.

Sự thật chưa biết có hay không việc mua xe, mua nhà bằng gem, tuy nhiên hình thức đa cấp của My Aladdinz là rõ ràng và quan trọng nhất là hệ thống này chưa được pháp luật của Việt Nam công nhận cũng như bảo hộ, vì vậy nguy cơ và rủi ro rất lớn thuộc về nhà đầu tư khi tham gia hệ thống này.

Hẳn nhiều người chưa quên những vụ việc như Thiên Ngọc Minh Uy hay đầu tư đa cấp vào tiền ảo Pincoin, iFan năm 2018, đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho các nhà đầu tư. Khi hệ thống sụp đổ, nhà đầu tư là người chịu thiệt khi không biết đi đâu, tìm ai để đòi lại tiền của mình…/.