Sự thật việc hãng bay "gõ cửa" vay tiền, ngân hàng lạnh lùng bảo "không"!

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - "Vừa qua có hãng hàng không đủ tài sản đảm bảo, muốn vay vốn để trả lương, trả chi phí bảo dưỡng, thuê máy bay, nhưng tổ chức tín dụng chưa dám quyết định cho vay" - ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Vấn đề nói trên được ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam - nêu ra tại cuộc tọa đàm "Giải pháp cấp bách về vốn để "giữ cánh" cho hàng không Việt", do VnEconomy tổ chức sáng 2/8. 

Hàng không lao dốc vì Covid-19

Theo các chuyên gia, hàng không gánh vác trọng trách rất to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Ngành hàng không Việt Nam phát triển vượt bậc như giai đoạn vừa qua có sự đóng góp của Vietnam Airlines Group và các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airways, VietJet Air. Một năm, ngành hàng không đóng góp trên 22.000 tỷ đồng thuế và phí, tương đương trong top 10 tỉnh, thành nộp ngân sách lớn nhất nước.

Tuy nhiên, gần 2 năm qua Covid-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tới thị trường hàng không. Năm 2020, nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh đến 34,5-65,9 % so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với 2019.

Sự thật việc hãng bay gõ cửa vay tiền, ngân hàng lạnh lùng bảo không! - 1

Hàng trăm máy bay của các hãng phải nằm sân, không thể khai thác vì Covid-19 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Năm nay, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tổng số chuyến bay khai thác tháng 7 của các hãng hàng không Việt Nam đạt 3.772 chuyến, giảm 84,6% so với cùng kỳ. Thậm chí, trong ngày 27/7 vừa qua, các hãng khai thác 11 chuyến bay nhưng chỉ vận chuyển được 877 khách.

Hiện tại, trục bay nhộn nhịp nhất thế giới của Việt Nam là Hà Nội - TPHCM đang bị "đóng băng" vận tải hành khách do TPHCM và Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Một chuyến bay khứ hồi tối thiểu để duy trì mạng bay mà nhà chức trách đã lên phương án tổ chức khai thác cũng không thể thực hiện được do Hà Nội thông báo không có điểm cách ly tập trung.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, đợt dịch Covid-19 thứ ba và thứ tư quay lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hãng. Có tới 80 - 90% máy bay "đắp chiếu" tại sân bay, doanh thu tụt dốc chỉ còn 10-20%. Số lượng máy bay nằm lại sân bay "cõng" chi phí lên đến 100 tỷ đồng/ngày. Kể cả khi phải dừng hoạt động, không có dòng tiền thu thì hàng tháng, các hãng bay vẫn phải thanh toán các khoản chi phí lớn liên quan đến thuê mua tàu bay, bảo dưỡng, phí sân đỗ... 

Giải pháp nào cứu ngành hàng không?

Nêu ý kiến tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam - cho rằng, không nên đắn đo câu chuyện nên cứu ngành hàng không hay không, mà đây là vấn đề rất cấp thiết phải giải cứu.

"Tôi biết vừa qua có hãng hàng không đủ tài sản đảm bảo, muốn vay vốn để trả lương, trả chi phí bảo dưỡng, thuê máy bay, nhưng tổ chức tín dụng chưa dám quyết định cho vay" -  ông Hùng dẫn chứng và thông tin hiện nay các hãng hàng không, đặc biệt hãng hàng không tư nhân nếu không vay vốn để tiếp tục duy trì hoạt động như bảo dưỡng, tiền thuê máy bay… thì sẽ lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính.

Sự thật việc hãng bay gõ cửa vay tiền, ngân hàng lạnh lùng bảo không! - 2

Cứu ngành hàng không được cho là vấn đề rất cấp thiết (Ảnh: Đỗ Linh). 

Theo ông, hiện các hãng hàng không đều dừng hoạt động hoặc hoạt động không đáng kể, không có doanh thu, doanh thu thu hẹp hoặc kinh doanh thua lỗ, phương án sản xuất kinh doanh chắc chắn không đảm bảo hiệu quả, nên gần như không có cửa tiếp cận vốn ngân hàng.

"Các hãng hàng không muốn vượt qua khó khăn, thì phải duy trì tính thanh khoản, giữ sự sống trước khi nghĩ đến chuyện vực dậy. Chắc chắn cần có một Nghị quyết của Quốc hội, mà muốn có Nghị quyết của Quốc hội thì phải giải trình, đánh giá, báo cáo của Chính phủ" - ông Hùng đề xuất.

Về việc hàng không vay vốn ngân hàng và mức lãi suất áp dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng muốn cứu, muốn được hỗ trợ vay vốn thì buộc phải có tài sản đảm bảo. Phải xác định rằng, nếu giải cứu cho các doanh nghiệp hàng không thì phải xem doanh nghiệp đó có khả năng để cứu không. Giữa các hãng hàng không và tổ chức tín dụng sẽ tự thỏa thuận, phù hợp với khả năng tài chính của từng đơn vị.

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Viện trưởng Viện Công Nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM - đưa ra bình luận: "Triển vọng của ngành hàng không hiện rất bất định. Hàng không có thể vẫn tiếp tục u ám, nhưng có thể đến tháng 4, tháng 5/2022, khi có thuốc đặc trị Covid ra đời, đại dịch bị lãng quên, trở thành căn bệnh cúm mùa bình thường, sự hồi phục ngành hàng không lại bứt lên mạnh mẽ".

Ông Bảo ủng hộ việc hỗ trợ và thậm chí mạnh hơn, là giải cứu ngành hàng không, tuy nhiên cho rằng cần nhìn câu chuyện một cách rộng hơn trong tổng thể của ngân sách và nền kinh tế quốc gia. Bởi vậy, việc "mở cửa" ngân hàng cho các doanh nghiệp hàng không vay vốn theo ông Bảo không nên chốt cứng lãi vay mà thả nổi như sản phẩm phái sinh tài chính. 

"Nghĩa vụ hoàn trả lãi vay phải dựa trên sự hồi phục của ngành hàng không. Nếu triển vọng của ngành hàng không còn u tối, sẽ trả suất lãi vay ở một mức. Nhưng nếu tương lai tươi sáng, sẽ phải trả lãi vay khác. Như vậy, mới công bằng với ngân sách, công bằng với tiền thuế của dân, để khoản ngân sách giải cứu ngành hàng không là một khoản đầu tư có hiệu quả" - ông Bảo nêu quan điểm.