1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đồng Nai:

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Truy trách nhiệm của thương lái!

(Dân trí) - Nguồn cung chất cấm salbutamol (chất tạo nạc) chủ yếu do các thương lái thu mua heo cung cấp. Trước khi heo xuất bán khoảng nửa tháng, các thương lái thường tiếp cận người nuôi để “chèo kéo” họ sử dụng chất cấm. Tuy nhiên, trách nhiệm của các đối tượng “chủ mưu” vẫn bị bỏ ngỏ.

“Heo đẹp”, giá cao

heo2-4e660
Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi khiến hàng ngàn người nuôi heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đứng trước nguy cơ bị vạ lây do người tiêu dùng lo sợ thịt heo thiếu an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe

Tiếp xúc với nhiều người nuôi heo thời gian qua cho thấy, việc các chủ trại chăn nuôi heo sử dụng chất cấm một phần là bởi tác động đến từ thương lái. Hầu hết các chủ trại khi có heo đến thời điểm xuất bán đều được thương lái đặt thẳng vấn đề “nếu sử dụng chất cấm trong vòng 10 ngày trước khi xuất bán, họ sẽ thu mua với giá cao hơn so với giá thị trường. Nếu cần thiết, chất cấm sẽ được họ bán trực tiếp, chủ trại không cần đi mua”.

Với các hộ chăn nuôi heo không đồng ý với yêu cầu này, thương lái sẽ mua giá thấp hơn, thậm chí không mua. “Khoảng gần nửa tháng trước khi xuất bán thương lái thường đặt vấn đề là cho heo sử dụng chất cấm mới mua giá cao. Họ bảo anh cứ cho heo ăn đi, tụi tui mua giá cao, nhưng tôi kiên quyết không mua” - ông Trần Minh Đoan, chủ trại heo Minh Đoan (huyện Trảng Bom) cho biết.

Cũng theo ông Đoan, việc các thương lái tiếp cận người nuôi heo, “khuyến khích” họ dùng chất cấm không phải là cá biệt.

Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai (NN-PTNT) chia sẻ câu chuyện, ông có người thân nuôi heo ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai), khi heo gần đến thời kỳ xuất bán thì thương lái tới trại đặt vấn đề sử dụng chất cấm làm cho “đẹp heo” để được mua với giá cao. Cũng theo ông Đạo, không chỉ người thân của ông kể mà ông còn được nghe rất nhiều người nói lại việc thương lái dụ dỗ họ sử dụng chất cấm để bán heo với giá cao.

Có thể nói, người chăn nuôi heo tại Đồng Nai đang đứng trước 2 con đường mà lựa chọn nào cũng đưa họ vào thế bất lợi. Chấp nhận sử dụng chất cấm thì bán được heo với giá cao nhưng sẽ bị xử phát nếu ngành chức năng phát hiện, trong khi không sử dụng thì bị ép giá, đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

Siết chặt quản lý thương lái

chatcam2-114e2

Một số chất cấm trong chăn nuôi được lực lượng chức năng phát hiện thu giữ

Ông Phạm Minh Đạo nhìn nhận, thực tế với quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang phổ biến như hiện nay thì vai trò của thương lái rất quan trọng, bởi nếu không có họ người nông dân sẽ không biết phải bán sản phẩm cho ai. Sản xuất nhỏ lẻ, không đủ sản phẩm để đáp ứng đơn hàng của các doanh nghiệp thì chỉ có thương lái mới có đủ khả năng thu mua, gom hàng từ người nông dân. Tuy nhiên, mặc dù có vai trò quan trọng như vậy nhưng hiện nay hầu như chưa có một sự quản lý nào trong hoạt động của đối tượng này.

Cũng theo ông Đạo, không chỉ vụ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo hiện nay mà nhiều vụ việc liên quan đến sản phẩm nông nghiệp thời gian qua như: thu mua sầu riêng non, sử dụng hóa chất để làm mít chín nhanh, bơm nước vào heo... cũng đã cho thấy vai trò của thương lái cũng như sự bỏ ngỏ của chúng ta trong vấn đề quản lý.

Vì thế, để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, thu mua nông sản đã đến lúc phải đặt ra vấn đề quản lý hoạt động của thương lái. Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, hiện Sở này đang phối hợp với Sở Công thương tỉnh Đồng Nai nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh về cách thức quản lý hoạt động của thương lái. Theo đó, cần phải tìm hiểu để biết rõ các thương lái là ai, ở đâu, hoạt động trong lĩnh vực nào, địa bàn nào? để có thể giám sát. Đồng thời với đó, phải tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho họ về các quy định, hoạt động như thế nào là đúng quy định pháp luật để từ đó họ thực hiện đúng.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, đến ngày 18/8, Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành xét nghiệm lần 2 đối với đàn heo của 11/14 hộ có phát hiện dương tính với chất cấm salbutamol (chất tạo nạc) trong đợt kiểm tra lần 2 năm 2015. Kết quả có 3/11 mẫu được xét nghiệm vẫn có kết quả dương tính với chất salbutamol. 3 mẫu xét nghiệm dương tính thuộc đàn heo của các hộ: Nguyễn Thành An; Bùi Thị Sáu (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) và hộ Trần Thanh Phong (xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom) Chi cục Thú y và các địa phương tiếp tục giữ đàn heo đối với 3 hộ này. Sau 10 ngày kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 2, chi cục thú y tỉnh sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 3.

Đồng thời, để tăng cường kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành chỉ thị về kiểm soát, ngăn ngừa việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Theo đó, Chi cục Thú y tỉnh tiếp tục tăng cường thực hiện lấy mẫu kiểm tra, giám sát chất cấm tại các trang trại chăn nuôi, các cơ sở giết mổ...Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở ngành, địa phương thực hiện “Tháng cao điểm kiểm tra, kiểm soát tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”.

Vĩnh Thủy

kinhdoanh-a5169