Sự cố Galaxy Note 7 không ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu

(Dân trí) - Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, nhìn chung sự cố Galaxy Note 7 không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng như đối với nhóm hàng điện thoại và linh kiện.

Sự cố pin của Samsung được đánh giá không tác động nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam.
Sự cố pin của Samsung được đánh giá không tác động nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam.

Sự cố Note 7 chưa ảnh hưởng tới xuất khẩu

Báo cáo từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11/2016 ước tính đạt 15,6 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 12,4% so với tháng 11/2015. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 30,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 29,9%; thủy sản tăng 17,5%.

Theo báo cáo, nhìn chung sự cố Galaxy Note 7 không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng như đối với nhóm hàng điện thoại và linh kiện. Trong tháng 11/2016, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện ước tính đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, thực tế cho thấy, sự cố Galaxy Note 7 có ảnh hưởng đến hoạt động của Samsung Việt Nam, làm giảm lợi nhuận nhưng hiện tác động chưa đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này.

Nguyên nhân là do một phần sản phẩm Galaxy Note 7 được phân phối ngay tại thị trường trong nước, trong khi xuất khẩu sản phẩm này hiện chiếm tỷ trọng không lớn. Mặt khác, Samsung Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm điện thoại khác để bù vào sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của Galaxy Note 7.

Tổng cục Thống kê cũng từng dự báo sự cố Galaxy Note 7 sẽ tác động trực tiếp đến việc giảm kim ngạch xuất khẩu nói chung, nhưng mức độ sẽ không lớn. Sự cố này cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp tới việc tiêu thụ và xuất khẩu các dòng sản phẩm khác của Samsung. Tuy nhiên, với thế mạnh về kiểu dáng và giá cả cạnh tranh, dự báo mức độ tác động giảm kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng còn lại của năm 2016 sẽ không nhiều (có thể làm tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2016 giảm khoảng 0,3 điểm phần trăm).

Tính chung 11 tháng năm 2016, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp (với tỷ trọng lớn thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 31,3 tỷ USD, tăng 10,2%; dệt may đạt 21,5 tỷ USD, tăng 4,5%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 16,8 tỷ USD, tăng 17,1%; giày dép đạt 11,6 tỷ USD, tăng 7,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,3 tỷ USD, tăng 26%.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản và nguyên liệu thô giảm so với cùng kỳ năm trước: Dầu thô đạt 2,1 tỷ USD, giảm 39,7% (lượng giảm 25,1%); gạo đạt 2,1 tỷ USD, giảm 20,1% (lượng giảm 24,2%); sắn và sản phẩm từ sắn đạt 892 triệu USD, giảm 25,2% (lượng giảm 11,4%).

Nhiều yếu tố khách quan tác động tới xuất khẩu

Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, một trong số những yếu tố dự báo sẽ tác động tới xuất khẩu trong thời gian tới là thông tin về việc Bộ Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ mở kho dự trữ nông sản khổng lồ mà nước này đã thu mua trong khuôn khổ chính sách trợ giá của nhà nước. Dự báo thị trường Trung Quốc sẽ chi phối xu hướng biến động giá nông sản năm 2017.

Theo đánh giá của Rabobank (Hà Lan), ngân hàng chuyên cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung Quốc hiện nắm giữ kho dự trữ khổng lồ các mặt hàng nông sản, vì vậy cách thức chính phủ nước này xử lý số nông sản đó sẽ là một trong những yếu tố chủ chốt chi phối chiều hướng biến động về giá trên các thị trường nông sản thế giới trong năm 2017.

Việc mở kho dự trữ nông sản khổng lồ để bán ra thị trường sẽ là một quyết định có thể gây tác động lớn tới thị trường nông sản toàn cầu, đặc biệt là đối với các mặt hàng như bông, đường, đồng thời nhiều khả năng cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các thị trường ngô, đậu tương và dầu thực vật trong năm 2017.

Trên thực tế, nông sản, đặc biệt là nhóm các “hàng hóa mềm” như đường, cà phê và bông, nằm trong số những hàng hóa nguyên liệu có mức tăng giá ấn tượng trong năm nay.

Chỉ số “hàng hóa mềm” của Bloomberg đã tăng 21%, so với mức tăng 24% của các kim loại công nghiệp và 1,5% của nhóm hàng năng lượng. Trong khi đó, giá ngũ cốc giảm khoảng 3% trên thị trường thế giới.

Đồng thời, Rabobank cũng tỏ ra quan ngại về triển vọng thị trường nông sản, sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Việc ông Trump hủy các thỏa thuận thương mại như ông đã tuyên bố có thể gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.

Bên cạnh đó, sự lên xuống của thị trường tiền tệ cũng là yếu tố tác động tới giá hàng hóa nông sản trong 12 tháng tới. Theo Rabobank, đồng Euro nhiều khả năng sẽ rớt giá khi một loạt cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại Pháp, Hà Lan và Đức trong năm tới. Sự kiện Brexit đã khiến cho đồng bảng rớt giá mạnh, khiến chi phí nhập khẩu thực phẩm tăng, song đồng thời cũng góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản.

Ngược lại, đồng Real của Brazil mạnh lên là yếu tố làm giá cà phê và đường tăng, do Brazil là nước sản xuất cà phê và đường hàng đầu thế giới.

Phương Dung