Start up Việt chỉ 35 người vừa được tập đoàn Nhật Bản rót chục triệu USD
(Dân trí) - Start up này là đối tác của những đơn vị lớn như Highland Coffee, Golden Gate Group, CGV, 7-Eleven và nhiều đối tác lớn khác.
Từ năm 2009, thuật ngữ "kinh tế chia sẻ" bắt đầu xuất hiện rộng rãi trên thế giới với sự ra đời của các start up công nghệ như Uber, Airbnb. Năm 2014, Việt Nam cho phép thí điểm mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ kết nối vận tải. Sau 10 năm, mô hình kinh tế này đã trở nên quen thuộc tại Việt Nam với start up như Grab, be.
"Ý tưởng của kinh tế chia sẻ là tìm kiếm những nguồn tài nguyên đang bị lãng phí sau đó giúp sửa đổi, điều chỉnh để sinh ra lợi ích. Các nguồn tài nguyên này bình thường hoàn toàn miễn phí nhưng khi tham gia chia sẻ sẽ sinh lời để đầu tư ngược trở lại cho chính người sở hữu nguồn tài nguyên.
Uber làm trong ngành taxi, Airbnb làm trong ngành homestay thì chúng tôi làm trong ngành Wi-Fi", Co-founder kiêm CEO start up AWING Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ trong buổi ký kết hợp tác đầu tư với tập đoàn NTT e-Asia diễn ra mới đây. Mới đây, Tập đoàn công nghệ lớn nhất Nhật Bản là NTT đầu tư hàng chục triệu USD.
AWING là start up công nghệ, được thành lập năm 2017 tại Việt Nam, phát triển nền tảng công nghệ phân phối quảng cáo cho các nhãn hàng tới người dùng trên màn hình đăng nhập Wi-Fi miễn phí. Start up này có 35 nhân sự.
Ý tưởng cho mô hình hoạt động của AWING ra đời trong bối cảnh những nhà sáng lập nhận thấy "mỏ vàng" Wi-Fi miễn phí tại Việt Nam đang bị bỏ phí. Việc khai thác quảng cáo thông qua Wi-Fi sẽ tạo ra lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
Khách hàng được sử dụng Wi-Fi chất lượng cao miễn phí. Chẳng hạn, các doanh nghiệp như Highlands Coffee, 7-Eleven, Trung Nguyên, các nhà hàng.... có thêm kênh marketing, doanh thu chia sẻ lại từ các chiến dịch quảng cáo của các nhãn hàng. Các nhãn hàng có nhu cầu quảng cáo thương hiệu có thể tiếp cận đến hàng triệu khách hàng tại những địa điểm tiêu dùng thực tế trên toàn quốc.
Đại diện start up cho biết công nghệ này được sáng tạo và phát triển hoàn toàn bởi người Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, ông Dũng có cơ duyên làm việc trong mảng công nghệ bán dẫn tại IBM Nhật Bản. Một thời gian sau, ông Dũng nhận được học bổng thạc sĩ công nghệ thông tin và viễn thông của Chính phủ Hàn Quốc về ngành không dây, tối ưu tài nguyên.
Sau khi trở về nước, ông làm việc cho FPT Software. Một thời gian, CEO này quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp khi nhìn thấy cơ hội về trong lĩnh vực công nghệ đã được học tại Hàn Quốc.