Sốt phi điệp đột biến: Thêm người bị lừa trắng tiền tỷ

Chỉ tính riêng nhóm lừa bán lan đột biến ở thị trấn Quốc Oai đã có nhiều nạn nhân bị lừa từ vài trăm triệu đồng đến hơn tỷ đồng.

Lừa 3 tỷ đồng rồi biến mất

Ngày 29/7/2020, theo tìm hiểu của Đất Việt, khu vực thị trấn Quốc Oai - TP. Hà Nội có nhiều người lạ mặt ở một số tỉnh tới để lần tìm tung tích những đối tượng đã lừa bán lan Phi điệp đột biến cho mình ở số nhà 345 đường phố huyện cách đây chỉ vài tháng.

"Có những người ở Q. Hà Đông, các chuyện khác như Chương Mỹ, Hoài Đức (TP. Hà Nội), đội ở Bắc Ninh, Bắc Giang mang theo lan phi điệp đột biến giả tìm đến để đòi tiền. Có những nhóm bỏ ra gần 2 tỷ đồng để mua nhưng về phát hiện ra đó không phải là mặt hàng như đã giao dịch. Tuy vậy, nhiều nhóm tìm đến muộn, các đối tượng đã chuyển đi nên không biết đòi ai" - một người dân sống trên địa bàn thị trấn Quốc Oai cho biết.

Theo một thống kê không chính thức từ giới chơi lan ở thị trấn Quốc Oai, số tiền mà các đối tượng thuê nhà 345 đường phố huyện lừa lên tới gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, còn một số lượng người rất lớn khác bị lừa mua cây từ 10 - 20 triệu đồng.

Sốt phi điệp đột biến: Thêm người bị lừa trắng tiền tỷ - 1

Giữa tháng 6/2020, một thương vụ mua bán lan tiền tỷ một giò lan với tên gọi Bảo Duy 5 cánh trắng diễn ra ở Bình Phước với giá gần 6 tỷ đồng đã khiến dư luận sững sờ.

"Nhóm này đến thị trấn Quốc Oai thuê 2 địa điểm. Trong đó số nhà 345 đường phố huyện là điểm giao dịch chính. Gần đó, nhóm này có thuê một khu đất để làm vườn. Nhưng chỉ khoảng vài ba tháng sau, nhóm này bất ngờ chuyển đi mà không ai biết. Khi mọi người tìm đến đòi lại tiền thì đã muộn" - nguồn tin của Đất Việt cho biết.

Trong những ngày vừa qua, tiếp tục có nhiều người lạ mặt ở một số tỉnh thành cũng tìm đến để dò hỏi về nhóm người này, họ cho biết là nạn nhân bị lừa mua Phi điệp đột biến giả nhưng không tiết lộ số tiền bị lừa là bao nhiêu.

Trao đổi với Đất Việt, một lãnh đạo thị trấn Quốc Oai cho biết, đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng địa phương chưa nhận được lá đơn tố cáo nào từ các nạn nhân này.

Tuy nhiên, nếu có nhận được đơn tố cáo cũng khó có cơ sở để giải quyết vì các cuộc giao dịch mua bán đó thường không công khai, không có giấy tờ chứng minh, cam kết.

"Đây là sự thỏa thuận giữa người bán và người mua. Chính quyền không chứng kiến, cũng không chứng nhận cho cuộc mua bán này nên xét về lý thì khó có thể giải quyết" - vị này cho hay.

Tiền xây nhà mất rồi

Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt ngày 29/7/2020, anh Nguyễn Văn Nhất - chủ một vườn lan ở Phú Thọ cho biết, những nạn nhân bị lừa mua lan Phi điệp đột biến giả với giá cả trăm, thậm chí cả tỷ đồng không phải là hiếm, hay mới xảy ra mà từ nhiều năm trước cũng có nhiều nạn nhân phải ngậm trái đắng từ việc chạy theo "cơn sốt" của Phi điệp.

"Có những người bỏ ra cả một gia tài để mua về chậu lan được quảng cáo là Phi điệp đột biến với mặt hoa đã được giới chơi lan đánh giá cao. Tuy nhiên, khi về trồng một thời gian thì cây xổ mặt hoa không đúng như cam kết. Biết mình bị lừa thì lúc đó tìm đến cũng khó có cơ sở để chứng minh, hoặc người bán cũng tiêu hết tiền mà không còn khả năng trả" - anh Nhất nói.

Anh Nhất lấy ví dụ như một trường hợp ở Phú Thọ xảy ra vào năm 2019, khi một nhóm anh em trong gia đình rao bán cây Phi điệp đột biến 5 cánh trắng Bạch Tuyết cho một người ở TP. Hà Nội với giá hơn 2 tỷ đồng chậu 2 thân dài khoảng 10cm.

Sau khi đem về trồng được gần 1 năm, cây ra mặt hoa không đúng. Người mua tìm đến nhà bắt đền nhưng người bán thừa nhận đã dùng số tiền đó xây nhà, hiện không còn tiền trả.

Thậm chí, khi người mua "làm căng" đòi đưa ra chính quyền giải quyết thì lại không có bằng chứng gì, người bán còn tuyên bố thẳng sẽ không trả lại tiền. Sau cùng, người mua chẳng thể làm gì được, đành bỏ lại chậu lan đó lại và đi về trong sự ấm ức.

Nhiều địa phương ở Việt Nam hiện nay do chạy theo cơn sốt lan Phi điệp đột biến nên một số gia đình đã bán tài sản, vay ngân hàng để đầu tư nhà vườn trồng lan đột biến.

Tại huyện Đà Bắc, Hòa Bình, một số người dân ở đây cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, số người trồng lan trên địa bàn đã tăng lên chóng mặt.

"Do thấy những cuộc giao dịch lan tiền tỷ nên nhiều người đã bỏ công việc đang làm quay sang làm vườn trồng lan. Không rõ kinh tế của họ có khá giả hơn không nhưng nhiều gia đình đã phải bán đất hoặc vay ngân hàng lấy vốn làm ăn, nhập về những cây lan có giá trị cao hằng mong đổi đời" - anh Châu Văn Việt (35 tuổi, người dân ở huyện Đà Bắc chia sẻ.

Tương tự, ở huyện Hàm Yên - Tuyên Quang cũng xuất hiện tình trạng người dân chuyển sang trồng lan đột biến để chạy theo xu thế của thị trường. Từ một công việc có nguồn thu nhập ổn định, anh Trần Văn Đức (33 tuổi, ngụ thị trấn Hàm Yên) quyết tâm chuyển sang trồng lan.

Anh Đức chia sẻ: "Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên 2 năm nay thu nhập chỉ ở mức cầm chừng. Đầu tư vào vườn lan gần 1 tỷ đồng nhưng hiện nay nguồn thu hàng tháng chỉ đủ trả lãi và duy trì sinh hoạt cuộc sống gia đình".

Cuối tháng 7/2020, Công an tỉnh Tuyên Quang đã ra văn bản cảnh báo về nguy cơ rủi ro từ phong trào chơi hoa lan đột biến gen trên địa bàn.

Công an tỉnh Tuyên Quang nhận định, việc xuất hiện một số “tấm gương” làm giàu nhanh chóng từ hoa lan, dễ dàng kiếm tiền tỉ trong thời gian ngắn đã tạo thành trào lưu, khiến nhiều người hò nhau đầu tư, thậm chí là góp vốn để tham gia.

Tình trạng này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Khi giá trị hoa lan được định giá tự do, không có căn cứ, cơ sở pháp lý, là cơ hội cho các hành vi lợi dụng để “thổi giá”, gây sự hấp dẫn giả tạo để dẫn dụ nhiều người chơi mới, kém hiểu biết tham gia vào thị trường lan.

Các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng diễn ra tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, nguy cơ biến tướng theo mô hình đa cấp, hoặc tội phạm rửa tiền lợi dụng hoạt động.

Cùng với đó, chất lượng hoa lan không hề có sự bảo đảm, chứng nhận hợp pháp; các giao dịch chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận bởi người bán với người mua, dễ phát sinh lừa đảo, mâu thuẫn, tranh chấp sau giao dịch.

Nhiều người tham gia đầu tư vì vụ lợi, mong muốn làm giàu nhanh, thiếu kiến thức, bất chấp rủi ro huy động vốn từ người thân, bạn bè, vay mượn ngân hàng, các nguồn vốn ngoài xã hội, thậm chí “tín dụng đen” để đầu tư. Điều này dẫn đến nguy cơ có thể vỡ nợ dây chuyền và phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật từ hoạt động “tín dụng đen”.

Chưa hết, việc mua bán hoa lan với số tiền giao dịch lớn, không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước tạo nên “bong bóng đầu tư”, tiềm ẩn nguy cơ chống phá về an ninh kinh tế của các thế lực thù địch.

Do đó, Công an tỉnh Tuyên Quang nhận định các hoạt động giao dịch, chuyển nhượng, trao đổi hoa phong lan đột biến như trên là rất nguy hiểm, có thể dẫn đến hệ lụy rất lớn, tiềm ẩn những nguy cơ cao, làm phát sinh và gia tăng các loại tội phạm, gây mất ổn định xã hội.