1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Sòng phẳng” với nợ công: Vẫn chỉ là hy vọng

“Chiếm 54,9% GDP, nợ công Việt Nam đang ở ngưỡng an toàn” - con số vừa được Bộ Tài chính công bố tại Bản tin nợ công số 1 đang đặt ra những nghi hoặc.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận đấy chỉ là “con số đẹp” dành để báo cáo, còn nếu tính một cách “sòng phẳng” thì số nợ công Việt Nam có thể đã chiếm tới 100% GDP - mức đáng báo động mà chúng ta chưa nhận ra.

 

Quá nhiều số liệu

 

Nợ công của Việt Nam chiếm bao nhiêu % GDP? Hiện chưa có một đáp án chuẩn xác cho câu hỏi này. Chính các chuyên gia đầu ngành trong nước cũng lắc đầu bởi “lúc thì Việt Nam công bố nợ công dưới 50% GDP, lúc nói là 54%, có khi lại đưa ra con số 56%” không biết tin vào đâu.

 

Mới đây, dư luận xôn xao khi một số phương tiện truyền thông đại chúng đưa ra con số nợ công mà trung bình một người dân Việt Nam phải “cõng trên lưng” là 808,1USD. Người bảo ít, kẻ nói nhiều. Chung quy, nợ ít hay nhiều thì cũng đều tính vào túi của mỗi người dân. Có điều, chúng ta cần phải có một con số chính xác, để biết rõ khả năng vay - trả vốn là điều không thể tránh. Đáng buồn, hiện con số này vẫn luôn “bất nhất” giữa các báo cáo khác nhau của các cơ quan chức năng.

 

Vinalines - một doanh nghiệp có mức nợ xấu cao
Vinalines - một doanh nghiệp có mức nợ xấu cao

 

Nếu căn cứ vào số liệu mà đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com chỉ báo, thì chỉ số nợ công của Việt Nam hiện đang chiếm 49,2% GDP toàn quốc. Còn theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, thì mức nợ công của Việt Nam tương đương 54,9% GDP của năm 2011… Những con số này đều được đánh giá là “phù hợp với tiêu chuẩn an toàn về nợ theo thông lệ quốc tế”.

 

Quả thực, nếu nhìn vào các con số theo báo cáo trên, đem so với các nước trong khu vực, thì mức nợ công của Việt Nam hiện không cao (con số này ở Indonesia là 917,69USD/người, ở Philippines là 1.213,74USD/người, ở Thái Lan là 2.640,8USD/người, trong khi ở Malaysia, con số này lên tới 5.936,87USD/người). Thậm chí, nếu đem so với một số cường quốc, thì nợ công của ta có thể coi là thấp. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta đã tính toán một cách sòng phẳng, đúng thực chất nợ công Việt Nam hay chưa?

 

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, thực chất chúng ta đang cố tình làm “đẹp” báo cáo nợ công bằng cách “né” nợ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Theo quy định của Việt Nam, các doanh nghiệp (DN), kể cả là DNNN đều hạch toán độc lập, không liên quan đến Nhà nước. DN vay thì phải tự có trách nhiệm trả, trong trường hợp phá sản, thì chính DN đi vay cũng như các tổ chức cho vay phải tự gánh chịu hậu quả…

 

Rõ ràng, trong những trường hợp như trên, nợ DNNN đã biến thành nợ công. Muốn trả được, không cách nào khác phải dùng ngân sách Nhà nước, lấy từ tiền thuế của dân. Đó là chưa kể, nhiều khoản vay của các bộ, ngành, địa phương cũng trong tình trạng khó có khả năng tự chi trả. Những gánh nặng này đương nhiên lại do Chính phủ oằn lưng gánh đỡ…

 

Rủi ro lớn dần

 

Trở lại câu hỏi: Nợ công của Việt Nam hiện nay ở mức bao nhiêu? Liệu có thực sự ở ngưỡng an toàn như tuyên bố của Bộ Tài chính trong bản tin về nợ công?

 

Thực tế, nếu con số nợ công của Việt Nam ở mức hơn 72 tỉ USD theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, thì đây có thể coi là “vẫn trong tầm kiểm soát”. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế đều cho rằng, mức nợ công của Việt Nam đều đã vượt xa con số “an toàn” này.

 

Theo tính toán của ông Nguyễn Trí Dũng - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì hiện nay, nếu xét đến cả các khoản nợ nước ngoài của DNNN, không được Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,6% GDP, nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực DNNN (theo đề án tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính) xấp xỉ 16,5% GDP cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN, thì nợ công Việt Nam có thể lên tới xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn 60% GDP như báo cáo của Bộ Tài chính.

 

Còn theo cách tính của TS Lê Đăng Doanh thì, “với công bố nợ DNNN là 51% GDP cộng với nợ công là 55% GDP thì con số nợ thực tế của Việt Nam hiện phải lên tới 106% GDP, chứ không chỉ là dưới 50% như công bố mới đây của Global debt clock trên trang The Economist.com”…

 

Theo quy ước của quốc tế, nợ công dưới 60-65% GDP và được sử dụng hiệu quả thì nợ công ấy không đáng ngại. Như vậy, nếu nợ công Việt Nam đúng theo con số mà các chuyên gia nhận định, thì rõ ràng, ngưỡng an toàn đã chuyển sang tình trạng rủi ro cao.

 

Đồng thời, với việc đưa ra các con số “đáng giật mình” như vậy, các chuyên gia còn khẳng định, với mức nợ công ngày một gia tăng như hiện nay, xét trong bối cảnh Việt Nam luôn bội chi ngân sách, thì khả năng tự trả nợ gần như là không thể. Để duy trì được, chúng ta chỉ còn cách đi vay nợ mới để trả các khoản nợ cũ. Và như thế, nợ chồng lên nợ, biết bao giờ mới trả hết?

 

Hiện nay, 60% nợ công của ta là vay nước ngoài, tuy lãi suất thấp nhưng vẫn phải trả nợ, theo tính toán, khoản nợ phải trả mỗi năm hiện khoảng 5 tỉ USD (hơn 100.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, ngân sách của chúng ta luôn trong trạng thái bội chi; kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2012 và 3 tháng đầu năm nay tuy xuất siêu nhưng lại là của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài… nên nguồn để trả nợ cũng không dễ dàng.

 

Bên cạnh đó, chính sách đầu tư công của Việt Nam tuy đang trong giai đoạn “tái cơ cấu” nhưng chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Về cơ bản, đầu tư công ở Việt Nam vẫn trong tình trạng “dàn trải, thất thoát, kém hiệu quả”. Nếu vấn đề này không sớm được khắc phục, sẽ trở thành mối đe dọa, làm gia tăng nợ công của Chính phủ.

 

Theo Báo cáo của Chính phủ, bình quân thu nhập đầu người năm 2012 của Việt Nam khoảng 1.300USD. Với thu nhập này, chúng ta mới ra khỏi tình trạng nước nghèo, lo cân đối thu chi đã khó, làm sao tiết kiệm để trả nợ? Đó là chưa kể, khi Việt Nam được công nhận là nước có nền kinh tế trung bình, ưu đãi lãi suất khi vay nợ quốc tế sẽ không còn, khi đó khoản vay gốc cũng như lãi phải gánh hằng năm sẽ gia tăng mạnh. Đây chính là nguy cơ lớn đối với sự an toàn tài chính Quốc gia.

 

Theo Đức Minh

Petrotimes