"Sóng ngầm" thâu tóm, sáp nhập nở rộ trong ngành bất động sản

(Dân trí) - Thương vụ Hanel mua lại 100% cổ phần khách sạn Deawoo Hà Nội là một điểm nhấn trong làn sóng M&A đang nở rộ trong lĩnh vực bất động sản.

Theo thông tin riêng trên một tờ báo, khách sạn Deawoo Hà Nội đã được công ty Hanel Hà Nội mua lại 100% cổ phần. Số tiền giá trị của hợp đồng này không được tiết lộ. Trước đó ít lâu, Công ty Đức Khải và Công ty cổ phần Ô tô Phương Trang đã chuyển nhượng Dự án New Pearl (192 - Nam Kỳ Khởi Nghĩa) cho Công ty Vạn Thịnh Phát. Trước đó, Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng cũng đã chuyển nhượng phần vốn góp tại Dự án Tân Tạo (quận Bình Tân) cho Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Khang An với giá 68 tỷ đồng.

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty tư vấn bất động sản Sohovietnam, một đơn vị tư vấn M&A cũng tiết lộ, hiện doanh nghiệp này đang tiếp nhận khoảng 80 dự án đang có nhu cầu chuyển nhượng chủ yếu tại Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, có những dự án có trị giá hàng trăm tỷ đồng. Không chỉ giá bất động sản giảm mạnh trong năm qua, mà giá chuyển nhượng dự án cũng theo đó mà giảm khá sâu, trung bình khoảng 30% so với năm 2010.

Sóng ngầm thâu tóm, sáp nhập nở rộ trong ngành bất động sản

Làn sóng mua bán sự án sẽ tăng. (Ảnh: DK)

Ông Cần nhận định, chắc chắn năm 2012 có nhiều dự án bất động sản sẽ phải bán. Nói chung các dự án hiện nay đã cầm cự trong năm vừa rồi và cấu trúc lại nguồn vốn nhưng sẽ còn rất nhiều khoản tài chính của họ đáo hạn vào quý 1, quý 2 năm 2012, điều đó sẽ là áp lực cho chủ đầu tư dự án buộc phải bán đi dự án hoặc hợp tác đầu tư. Năm 2012 sẽ là năm có nhiều thương vụ M&A liên quan đến bất động sản, nếu thị trường tiếp tục không có đầu ra.

Báo cáo của CBRE Việt Nam cho biết, tổng giá trị thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2011 tại Việt Nam đạt 251 triệu đô la Mỹ, xếp thứ 3 chỉ sau các lĩnh vực hàng tiêu dùng và tài chính. CBRE Việt Nam nhận định, 2012 là năm được kỳ vọng cho sự nhộp nhịp của hoạt động mua bán và sát nhập qua đó tăng tính thanh khoản và khả năng cạnh tranh của thị trường bất động sản trong những năm tới.

Lý giải về điều này, CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường trì trệ trong hơn 3 năm qua cộng với chính sách thắt chặt tín dụng làm cho phần lớn các công ty phát triển bất động sản không còn đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện dự án của mình, họ bắt buộc phải bán bớt một số dự án trong doanh mục đầu tư của mình để có thể tiếp tục thực hiện những dự án còn lại. Tái cấu trúc danh mục đầu tư và nguồn nhân lực thực hiện các dự án là những thử thách rất lớn.

Mặt khác, một số ít doanh nghiệp có sức khỏe tài chính khá hơn tuy không quá bức bách về nguồn vốn nhưng cũng đã nhận ra rằng sự phát triển dự án một cách nhanh chóng thiếu định hướng, tập trung không còn phù hợp nữa. Lúc này, cần phải định vị rõ ràng phân khúc mục tiêu của mình là gì từ đó xác định khu vực phát triển quỹ đất, thiết kế quy hoạch và chi tiết từng căn nhà, tiếp thị phù hợp với phân khúc khách hàng mục tiêu đã lựa chọn.

Đối với loại doanh nghiệp này thì không chỉ cần hợp tác với các đối tác có năng lực tài chính mà còn phải có kinh nghiệp phát triển dự án, đặc biệt trong ngành và phân khúc mục tiêu, am hiểu thị trường Việt Nam (chu kỳ thị trường, thu nhập và cách thức mua nhà của người dân, tín dụng bất động sản…).

Mặc dù vậy, việc chào bán dự án không phải là điều dễ dàng khi chủ dự án phải đối mặt với nhiều thách thức như tâm lý “bán dự án là thất bại”, tính minh bạch, giá chào bán thế nào cũng như cổ phần nắm giữ.

Theo đại diện của CBRE, vì bất cứ lý do gì sau khi xác định cần phải bán thì chủ dự án phải có sự chuẩn bị chu đáo để đạt được sự hợp tác thành công-mục tiêu quan trọng nhất, từ đó điều chỉnh thiết kế (nếu cần) đẩy nhanh tốc độ thực hiện dự án, tăng tính thanh khoản và góp phần vào sự phát triển cho thị trường trong thời gian tới.

Neil MacGregor, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Việt Nam vẫn được xếp hạng là một trong những nơi thu hút đầu tư hàng đầu trong khu vực. Trước đó, đơn vị tư vấn này cũng đã có buổi trình bày hơn 20 cơ hội đầu tư bất động sản tại Nhật Bản.

Ông Neil thừa nhận, các dự án bất động sản tại Việt Nam phải đối mặt với nhiều thử thách như khung pháp lý còn yếu, tính minh bạch thị trường thấp, thủ tục cấp phép phức tạp và sự khác biệt về mức giá kỳ vọng. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra thông tin tích cực,  thị trường vẫn được dự báo rằng số các thương vụ đầu tư sẽ tăng lên nhanh chóng trong một vài năm tới.

Duy Anh