1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

"Sóng" đột biến của cổ phiếu NVB trước ngày "nữ tướng" 8X ngồi ghế nóng

Vân Khánh

(Dân trí) - Trong tháng 7, đôi khi, khối lượng giao dịch cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) bất ngờ tăng đột biến. Chiều 29/7, NCB bất ngờ thay Chủ tịch HĐQT.

Thanh khoản liên tục đột biến

Trong phiên giao dịch hôm nay (29/7), thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh. Cổ phiếu tài chính, ngân hàng tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt. Thế nhưng, tâm điểm lại không thuộc về những gương mặt lớn như cổ phiếu VCB của Vietcombank, VPB của VPBank… mà lại thuộc về một đơn vị cỡ nhỏ. Đó là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB - mã chứng khoán: NVB).

Đầu phiên, NVB chỉ loanh quanh giá tham chiếu 19.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, "sức nóng" của NVB càng được củng cố. Giá cổ phiếu này được đẩy tăng lên theo phút và tới gần sát giờ đóng cửa, NVB tăng trần.

Chốt phiên giao dịch 29/7, NVB tăng 1.900 đồng/cổ phiếu, tương đương 10% lên 20.900 đồng/cổ phiếu. Bên dư bán hoàn toàn trống trơn, còn bên dư mua, dư mua giá trần lên đến 281.400 đơn vị.

Nhưng đáng chú ý nhất chính là thanh khoản. Gần 12,8 triệu cổ phiếu NVB được trao tay chỉ trong phiên hôm nay. Trong thời gian gần đây, thanh khoản mỗi phiên chỉ từ 1,2 triệu đơn vị tới 6,3 triệu đơn vị. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây chỉ là gần 3,4 triệu đơn vị.

Trước đó, thị trường cũng vài lần chứng kiến thanh khoản NVB tăng mạnh. Tại ngày 2/7, gần 21 triệu cổ phiếu NVB giao dịch thành công. Tại ngày 29/6, 11 triệu đơn vị được trao tay.

Sóng đột biến của cổ phiếu NVB trước ngày nữ tướng 8X ngồi ghế nóng - 1

Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây chỉ là gần 3,4 triệu đơn vị song chỉ trong phiên 29/7, gần 12,8 triệu cổ phiếu NVB được trao tay (Ảnh minh họa: IT). 

Đó là giao dịch theo phương thức khớp lệnh, còn theo thỏa thuận, NVB còn biến động mạnh hơn rất nhiều.

Trong hai phiên giao dịch 7/7 và 8/7, NVB gây chú ý khi ghi nhận gần 62 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức thỏa thuận. Số lượng chuyển nhượng này tương đương với khoảng 15% số cổ phiếu NVB đang lưu hành.

Đó chỉ là màn dạo đầu. Sau đó, nhà đầu tư vẫn miệt mài mua vào NVB trên "kênh" thỏa thuận. Ngày 13/7, 25 triệu cổ phiếu NVB được chuyển nhượng thành công. Con số này trong các ngày 15/7, 23/7 là hơn 11 triệu đơn vị và gần 13 triệu đơn vị.

Như vậy, chỉ trong tháng 7, tính riêng giao dịch thỏa thuận, đã có hơn 86 triệu cổ phiếu NVB, tương đương khoảng 21% lượng cổ phiếu lưu hành của NVB được trao tay.

Ai bán, ai mua?

Danh tính bên bán và bên mua cổ phiếu NVB với khối lượng "khủng" chưa được tiết lộ. Trong các báo cáo chính thức, NCB cũng không hề công bố giao dịch của cổ đông nội bộ.

Tuy nhiên, dựa vào thông tin tại họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của ngân hàng này diễn ra hồi tháng 4 năm nay, có thể dự báo bên mua nhiều khả năng là tổ chức lớn trong nước.

Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, khi được hỏi về kế hoạch tăng vốn, lãnh đạo NCB cho biết việc tăng vốn đã được lên kế hoạch hơn 3 năm qua. Hội đồng quản trị đã làm việc với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước và đã ký được một số cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài tại Singapore và Nhật Bản.

Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà đầu tư ngoại khó khăn trong việc sang Việt Nam nên kế hoạch đầu tư chưa thực hiện được. Vì vậy, lãnh đạo NCB cho biết trước mắt ngân hàng tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược ở trong nước để giúp NCB lọt vào nhóm ngân hàng có quy mô vốn ở mức trên trung bình trong số các tổ chức tín dụng hiện nay tại Việt Nam. 

Bên bán cũng không được tiết lộ. 

Cơ cấu cổ đông của NCB hiện ra sao? Tại thời điểm cuối năm 2020, Thành viên HĐQT NCB Trần Hải Anh là cổ đông lớn nhất tại NCB khi sở hữu hơn 20 triệu cổ phiếu NVB, tương đương 4,92% vốn ngân hàng. Đứng sau là cổ đông Nguyễn Trần Trung Sơn (hơn 16 triệu cổ phiếu, tương đương 3,97% vốn), CTCP Năng lượng Sài Gòn - Bình Định (gần 12 triệu cổ phiếu, tương đương 2,84% vốn), Chủ tịch Hội đồng quản trị NCB Nguyễn Tiến Dũng (6,5 triệu cổ phiếu, tương đương 1,58%),…

Ngoài ra, một số lãnh đạo cấp cao khác tại NCB như bà Dương Thị Lệ Hà - Phó Tổng giám đốc, ông Phạm Thế Hiệp - Tổng giám đốc, ông Nguyễn Đình Tuấn - Phó Tổng giám đốc… đều sở hữu hàng triệu cổ phiếu NVB.

Chào bán bằng 50% thị giá ngày 29/7

Đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản chấp thuận cho NCB tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỷ đồng, đưa tổng vốn điều lệ NCB đạt trên 5.600 tỷ đồng.

Phương thức tăng vốn là thông qua hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông NCB thông qua tại Nghị quyết số 29/NQ.ĐHĐCĐ 2021 ngày 22/2/2021.

Theo đó, NCB sẽ chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng chưa tới 50% thị giá NCB ngày 29/7. Thời gian phát hành dự kiến là quý III hoặc quý IV năm nay.

Nếu phát hành thành công, NCB vẫn nằm trong top 10 các ngân hàng trong nước có vốn điều lệ thấp nhất.

Chiều 29/7, NCB họp đại hội cổ đông bất thường bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT. Bà Bùi Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Sungroup, làm Chủ tịch HĐQT NCB thay cho ông Nguyễn Tiến Dũng. Ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT NCB, làm Phó Chủ tịch HĐQT. Cùng với bà Hương, một Thành viên HĐQT khác được bầu bổ sung là Trương Lệ Hiền.