1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Sợi vải tre Bamboo Biocell và xu hướng thời trang xanh

Trường Thịnh

(Dân trí) - Bamboo Biocell là dòng sợi vải tre sản xuất tại Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn xanh của thế giới và góp phần tự chủ nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may trong nước.

Nhiệm vụ tăng cường năng lực cạnh tranh và tự chủ của doanh nghiệp dệt may trong nước

Sợi vải tre Bamboo Biocell và xu hướng thời trang xanh - 1
Triển lãm SAIGONTEX & SAIGONFABRIC 2022 tại TPHCM với kỳ vọng tạo sân chơi lớn giúp các doanh nghiệp dệt may kết nối và tăng cường năng lực cạnh tranh (Ảnh: Bảo Lân).

Từ gần 10 năm nay, xu hướng tiêu dùng và thời trang của thế giới, đặc biệt ở các quốc gia phát triển tại châu Âu, Mỹ, Úc… đã rất quan tâm tới tính bền vững của sản phẩm cũng như quy trình sản xuất đầu - cuối có đạt các tiêu chuẩn xanh hay không. Điều này đã tạo nên những tác động to lớn đến không chỉ các thương hiệu thời trang lớn mà còn mang lại những thay đổi mang tầm vĩ mô. Rất nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của ngành thời trang đã phải dịch chuyển trước nhu cầu, đòi hỏi mới của thị trường, chủ động nghiên cứu, tìm kiếm, áp dụng các công nghệ mới, nguồn nguyên liệu mới… để có thể đạt được các chứng nhận xanh, đáp ứng các tiêu chí bền vững.

Ở Việt Nam, xu hướng chuyển đổi này càng rõ hơn trong và sau đại dịch Covid-19, khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mở ra vô vàn cơ hội cho sản phẩm nội địa được hội nhập quốc tế. Riêng với thị trường EU, một số mặt hàng đang được cấp C/o (chứng nhận nguồn gốc xuất xứ) ưu đãi sang các quốc gia trong khối liên minh này với kim ngạch cao là giày dép, dệt may, thủy sản, nhựa.

Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp kịp thích ứng và có sự chuẩn bị tốt để nắm bắt cơ hội. Trong ngành dệt may, hạn chế của phần lớn doanh nghiệp sản xuất trong nước chính là bị lệ thuộc vào các nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất.

Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, yêu cầu truy soát nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới là thách thức lớn mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt, bên cạnh rủi ro, thách thức tái phát dịch Covid-19 hay giá nguyên, nhiên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay.

Bamboo Biocell - nguyên liệu góp phần xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch

Sợi vải tre Bamboo Biocell và xu hướng thời trang xanh - 2
Nguyên liệu sản xuất sợi Bamboo Biocell đạt các chứng nhận sinh thái như: Oeko-Tex, Soil Association, SKAL, KRAV, SGS, IAF, Ecocert... (Ảnh: Bảo Lân).

Sợi Bamboo Biocell là thành quả sau gần 2 năm tìm kiếm, chọn lọc và thử nghiệm của Công ty Vải Sợi Bảo Lân. Đại diện doanh nghiệp cho biết, đây cũng là sản phẩm sợi tre "made in Việt Nam" đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của thế giới về may mặc bền vững là GRS (Global Recycle Standard) và GOTS (Global Organic Textile Standard), góp phần tạo dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu mới (tự chủ và minh bạch nguồn gốc), đại diện cho tính hài hòa sinh thái (Ecological) và hiệu quả kinh tế (Economical).

Sản phẩm được kỳ vọng sẽ là "chìa khóa" mở ra hướng phát triển cho chuỗi cung ứng minh bạch và bền vững, từ nguồn nguyên liệu xanh - cho đến quy trình sản xuất xanh - và tạo ra hệ sinh thái gồm những sản phẩm may mặc xanh, mà các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của ngành may mặc có thể cùng áp dụng và lan tỏa rộng rãi.

Bên cạnh khả năng truy xuất nguồn gốc của nguyên liệu, yếu tố quan trọng giúp sợi tre Bamboo Biocell đạt được các tiêu chuẩn xanh là nhờ được sản xuất bằng công nghệ đóng (Close-loop system) giúp kiểm soát giảm thiểu tổn hại môi trường như: Tiết kiệm nhiên liệu; tái sử dụng nguồn nước; giảm thiểu chất thải môi trường; chất thải có thể tái chế, phân hủy, sản xuất điện; có thể phân hủy thành hỗn hợp tự nhiên.

Sợi vải tre Bamboo Biocell và xu hướng thời trang xanh - 3
Sợi Bamboo Biocell được ứng dụng để tạo ra những sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường và sức khỏe (Ảnh: Bảo Lân).

Do hoàn toàn được sản xuất tại Việt Nam, sợi Bamboo Biocell còn hạn chế được lượng khí thải và các chi phí logistic. Thêm một lý do nữa khiến sợi Bamboo Biocell được đánh giá là lựa chọn cho các sản phẩm thời trang xanh vì giá thành của sợi tre so với các loại sợi có nguồn gốc tự nhiên khác như Tencel (vải sợi từ gỗ bạch đàn) hay Supima Cotton (vải bông cao cấp) vừa túi tiền với phần lớn người tiêu dùng. Điều này giúp cho đại bộ phận người dân Việt Nam có thể tiếp cận với những sản phẩm may mặc thân thiện với môi trường và có các tính năng tốt cho sức khỏe, theo đại diện doanh nghiệp.

Khả năng mở ra tương lai xanh cho ngành dệt may của sợi Bamboo Biocell

Sợi vải tre Bamboo Biocell và xu hướng thời trang xanh - 4
Sợi Bamboo Biocell giúp phát huy tối đa ưu điểm tự nhiên của cây tre, và có thể ứng dụng rộng rãi trong nhiều sản phẩm dệt may (Ảnh: Bảo Lân).

Sợi Bamboo Biocell thừa hưởng những ưu điểm kháng khuẩn từ đặc tính tự nhiên của cây tre. Trong cây tre chứa hợp chất sinh học "bamboo kun" kết hợp chặt chẽ với các phân tử cellulose, từ đó phát huy khả năng diệt khuẩn tự nhiên, có thể lên đến 75%. Vải từ sợi tre Bamboo Biocell mềm mịn, có khả năng thấm hút tốt, độ thoáng khí cao, tạo cảm giác thoải mái cho người mặc khi vận động ra nhiều mồ hôi, nhất là thời điểm ngày hè. Do đó, theo đại diện doanh nghiệp, các sản phẩm may mặc từ sợi Bamboo Biocell sở hữu những tính năng như kháng khuẩn tự nhiên, bền màu, vẫn giữ được độ mềm mại sau nhiều lần giặt, hút ẩm tốt, nhanh khô, thoáng mát nhưng lại có thể giữ ấm cho cơ thể, và đặc biệt là có thể chống tia cực tím với chỉ số lên tới UPF 50+.

Các ứng dụng cho ngành dệt may từ sợi Bamboo Biocell cũng rất đa dạng. So với các loại sợi có nguồn gốc tự nhiên khác, sợi tre có thể sản xuất với số lượng lớn với chi phí thấp hơn, và có thể ứng dụng rộng rãi cho các sản phẩm dệt kim, dệt thoi lẫn vải không dệt như áo thun, áo sơ mi, trang phục trẻ ẻm - sơ sinh, đồ thể thao, đồ lót cho tới các loại khăn, chăn, ga…

Chủ động về nguyên liệu và công nghệ khi sản xuất tại Việt Nam, Bamboo Biocell không chỉ mở rộng thêm nguồn lựa chọn sợi vải tre bền, chất lượng cao, giá ổn định cho thị trường mà còn góp phần thúc đẩy thói quen tiêu dùng xanh của người Việt, vốn đã và đang là xu hướng chủ đạo của thế giới từ nhiều năm nay.